Nhân vật lịch sử


LƯỢC SỬ ĐỨC THÁNH MẪU NGUYỆT QUANG

Đời Hùng Duệ vương (Hùng Vương 18) ở thôn Tả Tạo, xã Đa Lộc, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam ( nay là thôn Trạo thôn, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) có một người tên là Hoàng Nguyên, vợ là Vương Thị Huân, gia thế trâm anh, một lòng hiếu thuận. Một ngày bà Vương mộng thấy ráng đỏ đầy nhà, trông lên trời thấy hai vầng trăng sáng, bỗng nhiên một vầng trăng rơi xuống, bà nhặt lấy cầm xem từ đó có mang. Mười hai tháng sau vào giờ Tị ngày mười hai, tháng hai năm Ất Tị, bà sinh ra một người con gái mặt đẹp như hoa, da trắng như tuyết, khuôn trang đầy đặn, dáng hình yểu điệu, cha mẹ quý như ngọc mới đặt tên là Kha nương. Năm mười lăm tuổi nàng đã tứ đức vẹn toàn, vẻ đẹp yêu kiều chim sa, cá lặn, hoa thẹn, trăng ghen, vậy mà cung thềm còn khoá, ngọc nhị còn phong, lá thắm, chỉ hồng, chưa chọn được người xứng đáng, những mong anh hùng tương hợp, tài tử vui duyên, may mà lòng người ước nguỵên, ý trời cũng cho.

Thời đó tại xã Thụy Uyên, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay là xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có một người thi thư tài tử, hiếu đễ nối nhà tên là Lý Hương, vợ là Tạ Thị Trầm. Hai ông bà sinh được một người con trai đặt tên là Lý Tuấn. Lớn lên Lý Tuấn sáng suốt khác thường, thông minh chính trực, xứng là bậc anh hùng trên đời nhưng đến tuổi trưởng thành vẫn chưa tìm được người xứng đáng để sánh duyên loan phượng.

Một ngày nọ, ông đến bến Quán Châu đầu thôn Tả Tạo thì gặp một người con gái tuổi vừa mười tám, nhan sắc tuyệt trần, dung mạo đoan trang, tưởng như hoa dung, ngọc nữ trên tiên cảnh đó chính là Kha Nương. Biết danh tiếng Lý Tuấn, ông Hoàng Nguyên bèn cho người mời đến nhà, đối đãi rất hậu và gả con gái Kha Nương cho. Một thời gian sau hai ông bà trở về xã Thụy Uyên làm lễ bái tạ tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, mở lòng làm phúc, gắng sức làm điều nhân, ông bà luôn tâm niệm:

Bán điểm hại nhân vô chước ý

Nhất hào lợi kỷ mạc phân tâm

Nghĩa là:

Nửa nét hại người không cố ý

Một li mình lợi chẳng mang lòng

Một ngày đẹp trời, bà Kha Nương đang dạo chơi trong vườn hoa bỗng thấy trong lòng phấn chấn, khắp người tỏa hương thơm, từ đó có mang. Mười ba tháng sau vào giờ Dần, ngày mồng mười, tháng ba, năm Bính Tuất bà sinh hạ được một người con trai hình dung tuấn tú, khí tượng lạ kỳ. Khi ấy trên trời mây lành rực rỡ, khắp nhà hương thơm ngào ngạt, hai ông bà mừng rỡ cho đó là trời ban phúc bèn đặt tên là Lý Thân ( sau này gọi là Ông Trọng) . Bà Kha Nương đoan trang, hiền thục, gánh trên vai trách nhiệm với hai quê nội, ngoại dạy bảo con trai nên người, một lòng trung quân ái quốc, hiếu thảo với mẹ cha, mai sau làm giường cột cho nước nhà.

Năm 18 tuổi, Ngài mình cao hai trượng, sức địch muôn người, chí dũng siêu quần, thông minh xuất chúng, có tài ngang trời dọc đất, Ngài thường nói rằng:

Làm người ở đời nên có chí lớn như chim loan, chim phượng cất cánh bay xa muôn dặm, sao chịu làm tôi tớ người để cho người mắng nạt.

Gặp lúc Hùng Duệ Vương xuống chiếu tuyển người hiền tài, bà Kha Nương đã động viên Ngài ra giúp nước. Mến mộ người tài giỏi, nhà vua phong cho Ngài chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội Văn Lang. Sau khi được Duệ Vương nhường ngôi, Thục Phán lấy hiệu là An Dương Vương, đổi tên nước là Âu Lạc. Lúc này ở phương bắc, Tần Thuỷ Hoàng đã thống nhất thiên hạ liền sai tướng Đồ Thư đem hàng chục vạn quân xâm lược nước ta. Cùng với các tướng lĩnh tài giỏi của Âu Lạc, ngài đã hết lòng phò tá giúp Thục An Dương Vương đánh tan quân xâm lược nhà Tần. Sau đó để giữ tình hoà hiếu giữa hai nước, nhà vua cử Ngài đi sứ nước Tần. Khi ấy nước Tần luôn bị giặc Hung nô uy hiếp, biết danh tiếng của ngài, vua Tần phong cho ngài chức Tư Lệ Hiệu Úy đem mười vạn quân trấn giữ ải Lâm Thao, uy danh ngài chấn động nước Hung nô. Mến tài đức của Ngài vua Tần gả con gái là công chúa Bạch Tịnh Cung với mục đích giữ Ngài ở lại nước Tần mãi mãi. Nhưng một lòng trung quân ái quốc, hiếu thảo với mẹ già, Ngài xin phép vua Tần đưa gia quyến trở về nước.

Khi ấy ở quê nhà, bà Kha nương hết mực chăm lo giúp dân khai hoang mở đất, xây dựng xóm làng, giữ gìn thuần phong mỹ tục, được nhân dân hết lòng ca ngợi công đức, để tưởng thưởng công lao ấy Thục An Dương Vương đã phong tặng là Đức vua Kha thánh mẫu. Sau khi về kinh đô yết kiến vua Thục và được nhà vua phong tước Đại Vương, Lý Ông Trọng trở về thôn Tả Tạo dựng một hành cung để phụng dưỡng Thánh mẫu, Thánh mẫu tiếp tục dạy bảo cháu con điều hay lẽ phải, khuyến khích nhân dân làm ruộng, trồng dâu, làm điều lợi, bỏ điều hại khiến nhà nhà đều no ấm yên vui.

Tạo hoá xoay vần, mệnh trời đã định, Thánh mẫu về cõi vĩnh hằng vào ngày mười hai, tháng mười một, thọ tám mươi mốt tuổi. Thục An Dương Vương sau đó đã phong tặng duệ hiệu là Thánh mẫu Nguyệt Quang phu nhân. Nhà vua cũng chuẩn y cho thôn Tả Tạo, xã Đa Lộc, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam được thờ phụng đức Thánh mẫu. Các triều vua sau đều gia phong mỹ tự, cúng tế ngàn năm , cùng trời đất lưu truyền bất hủ.

(Theo Thuỵ Hương từ sự tích do Hàn lâm viện Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm 1572)

Ngày 31 tháng 3 năm 2012 ( Ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Thìn)

Xã Thuỵ Phương, Từ Liêm, Hà Nội - Xã Đa Lộc, Ân Thi, Hưng Yên

Thành kính khắc đá, dựng bia này.