Kiến trúc - Di vật


Hai văn bia đặc sắc tại Đình Chèm

Tại Đình Chèm hiện còn 4 tấm bia đá, trong đó có 2 tấm bia của Hương cống Lý trần Tân soạn năm Minh Mệnh thứ 12 ( 1831) và 2 tấm bia do Tiến sỹ Nghiêm Xuân Quảng soạn, khắc năm Khải Định thứ 2 (1917). Các tấm bia này có giá trị phản ánh những giai đoạn lịch sử của Đình Chèm.

Dưới đây là nội dung cụ thể các văn bia tiêu biểu tại Đình Chèm.

1.Văn bia chữ “Thụy” của Lý Trần Tân

Giới thiệu:

Theo ghi chép trong văn bia và văn bản Thụy Phương xã thần từ, hai văn bia đều là tác phẩm của Hương cống khoa Quý Mão (1783) là Lý Trần Tân biên soạn (右兩碑文前黎癸卯科鄉貢李陳檳恭撰). Cả hai văn bia hiện được gắn vào hai bên đầu hồi phía Đông - Tây của nhà Đại bái. Đây là hai bài văn bia sử dụng lối độc vận, bài thứ nhất lấy vần “thụy” bài thứ hai lấy vần “hương”. Đây là tác phẩm văn chương thuộc loại khó, do tính chất nghệ thuật rất cao, nay xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Phiên âm:

Thụy!

Đĩnh đặc ngung ngang, độc khoa nhân Thụy.

Tọa nhị trượng đại thập vi hề, kỳ tướng dị.

Tướng chi dị hề, thông quốc lệnh khí.

Hổ sơn hoắc vu Thục quân vu Tần đế.

Hữu giả nhật trì, hữu tư khổn [chế].

Kiêm tính xâm lăng, nhất đổ tự nhị.

Kim tượng lưu Tư Mã chi môn,

Đẩu tẩu do nhiên lật thị.

Mẫn du chỉ.

Tức ngã quốc hề, bảo an Nhị thủy.

Thiết võng hoành lãng để.

Tiệt lưu ngạnh phiếm dĩ.

Tế phàm tụ nhi tân danh hoán mỹ.

Cánh duy phối vị.

Đường đường ngoa lí.

Song tiêu nhất thế.

Khôn nguyên dữ càn nguyên nhi đối trĩ.

Thụy, Thụy.

Miến tưởng quân dung chi thậm vĩ.

Sự nghiệp chi kỳ hề, áp hoành duyên nhi trung thiên địa.

Ban ban Sử ký.

Trưng chi: tích ư giao dã, tích ư Hoa Tể.

Sở kiến chi chân hề, vưu việp vĩ.

Khởi thương thương chi đại yếm hối minh, Cố chí tinh dục xuất cự tỉ.

Ngạc chúng mục vi bất chiến tức binh chi thanh thế. Nguy nguy Di Hạ trụ kình, Lĩnh biểu yên vân thiên cổ Thụy!

Minh Mệnh thập nhị niên tam nguyệt cốc nhật.


Dịch nghĩa:

Lành thay!

Đĩnh đạc hiên ngang, anh hùng tốt đẹp.

Ngồi cao hai trượng, thân lớn mười ôm, tướng mạo lạ thường.

Tướng mạo lạ thường, là nguyên khí của hai nước.

Hổ sơn thơm không chỉ thơm tới vua Thục An Dương Vương mà tới cả vua nước Tần.

Có lúc xông pha trận địa, có khi ở nơi triều chính.

Đánh đuổi xâm lăng, liếc mắt một cái là giặc tự phải dừng chân.

Tượng đồng còn đặt ở cửa Tư Mã, uy phong vẫn còn như hiển hiện.

Đến khi xong việc nước.

Lại về quê nhà, bảo vệ dòng Nhị thủy.

Lưới sắt giăng ngang đáy sóng.

Dòng sông lại vững thêm bến đỗ.

Thuyền buồm tụ về mà bến lại đổi tên thêm đẹp.

Lại phối ngôi vị [hài hòa với trời đất].

Nêu cao biểu tượng một đời.

Ôi! Lành thay, lành thay!

Xa nhớ dáng hình hùng vĩ.

Sự nghiệp kỳ lạ, vuốt dải mũ đứng giữa đất trời.

Rõ ràng trong sách “Sử ký”.

Đọc sử: dấu tích ngài còn khắp trong dân gian, còn đầy trong Hoa Tể1.

Những gì còn thấy đều chân thực, càng rực rỡ.

Há bởi trời xanh ghét việc [đời] mờ tối,

Cho nên mới chung đúc ra bậc đại anh hùng?

Làm kinh ngạc bao người, làm nên tiếng thơm “không cần chiến trận vẫn lui được quân thù”.

Sừng sững khắp tứ di Hoa Hạ, cột trụ chống trời, Cõi Lĩnh Nam mây khói ngàn năm còn tươi đẹp.

Ngày lành tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 12 (1831).

2.Văn bia chữ “Hương” của Lý Trần Tân

Phiên âm:

Hương!

Huân cao thê sảng, vĩnh nhạ thần hương.

Đệ ngũ nguyệt, thập ngũ nhật hề, kỳ tích chương.

Tích chi chương hề, lịch triều cảnh hàng.

Hạc giang chu vu Triệu sứ, vu Cao vương.

Hữu hội tượng tòa, hữu tập câu tàng.

Kháng dao xung quyết, nhất thành khả nhương.

Thạch đê hộ Thăng Long chi mạch,

Sa nha dã nhược nan đương.

Hỗ nhĩ thường,

Tứ ngã triều hề, trợ thuận bài cương.

Chu kỳ trực phong phương.

Tảo huyệt phù ngoan cường.

Khải giá lâm nhi mã tự thùy phương.

Cố duy di hương.

Ngực ngực cái tràng.

Hoàn trác nhất trường.

Hoán giả nhân tụy giả nhi di quang.

Hương hương!

Bái quan tiêu ngự chi thị hoàng.

Anh linh chi tối hề, doanh vũ trụ nhi triệt âm dương.

Lũy lũy lễ chương.


Đẳng chi: từ ư Sóc phong, từ ư Tống huyện, Sở xưng chi cực hề, cộng hỗn hoàng.


Ê mang mang chi tướng khai đô hội, cố tố vượng trưng thành hiển trạng.

Nghiễm thượng đầu vi vô hình tráng hiểm chi chủ trương. Lẫm lẫm gia bang trục trấn,

thành Tây thảo thụ tứ thời hương!


Tiền Lê triều, Quý Mão khoa, Hương cống, Lý Trần Tân bái soạn.


Dịch nghĩa:

Thơm thay!

Ngào ngạt thiêng liêng, nhuốm mãi hương thần.

Mười lăm tháng hàng năm là ngày [ngài] hiển tích rõ ràng.

Hiển tích đã rõ ràng, các triều đều kính cẩn ngưỡng vọng3.

Hạc Giang giong thuyền cùng Thứ sử Triệu Xương, cùng với Cao Vương.

Tô đắp tượng ngài, vào đám vào hội1.

Chỉnh trang lễ lạt, một lòng thành kính.

Đê đá giữ long mạch Thăng Long, cao vợi chẳng bao giờ vỡ sụp.

Tế tự thường niên,

Cho đến triều ta nay, hiển ứng hộ trì thêm vững vàng.

Cờ đỏ giong hướng gió.

Quét hang giặc gian ngoan.

Trông ngựa xe nườm nượp, cúng tế ngạt ngào.

Ngoảnh lại trông quê cũ.

Tràng phan ngợp trời.

Một đoàn võng lọng.

Công đức càng thâm sâu càng rạng rỡ.


Thơm thay! Thơm thay!

Vái trông gió thổi ấy vua [đang giá lâm].

Anh linh tột bực, đầy vũ trụ mà khắp âm dương.

Lễ nhạc tấp nập, rộn ràng.


Cũng như:

thờ trên Sóc Phong1, cúng ở Tống Huyện.

Đáng được ngợi ca là nơi thiêng liêng nhất, rất rạng rỡ.

Mênh mông cùng mở đô hội, thịnh vượng hiển lộ.

Uy nghiêm ở trên là chúa tể vô hình.

Lẫm liệt trấn giữ nước nhà,

Cây cỏ phía tây kinh thành bốn mùa đều thơm hương.


Hương cống khoa Quý Mão (1783) triều Lê trước là Lý Trần Tân kính soạn.


Văn bia Nôm “Thụy Phương đình bi ký”

Trong nhà bia tại đình Chèm hiện còn một văn bia chữ Nôm mang tên Thụy Phương đình bi ký của Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng (1869 - 1941), được biên soạn năm 1917, nhân dịp đình được trùng tu sửa sang. Văn bia này từng được phiên âm trong tài liệu của địa phương. Bản công bố lần này tham khảo trên bản phiên âm của Trương Thị Thủy giới thiệu trong Thông báo Hán Nôm học 2009, bản phiên âm trong sách Danh nhân Lý Ông Trọng với di tích và lễ hội Đình Chèm (2010) và Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập văn khắc Hán Nôm (Nxb Hà Nội 2010).

(Nhà bia bên trái nơi đặt bia chữ nôm Thụy Phương đình bi ký)

Phiên âm:

Bia đình Thụy Phương

Nước càng văn minh thì người càng biết yêu nước tổ, càng biết yêu nước tổ thì càng phải nhớ người xưa. Nhớ sinh kính, kính sinh thờ; thờ phải có tượng, có đền. Người trước làm, người sau sửa, đều bởi bụng1 sùng bái anh hùng mà ra. Một nước thế, các nước cũng đều thế.

Nước ta trên dưới hơn bốn nghìn năm, đệ nhất anh hùng xuất hiện ra, làm cho nòi giống mình vẻ vang, sử sách mình rõ ràng, không ai hơn Đức Thánh Chèm.

Sử chép rằng: Ngài họ Lý húy mỗ, người làng Thụy Hương, cao lớn khác thường, người Việt mà quan Tần, oai phục rợ Hung Nô. Khi bấy giờ Hung Nô thế không vừa, vua Tần phải đắp Trường Thành để ngăn giữ, mà nước nó lại sợ Ngài, đủ biết rằng ngài là một đấng anh hùng có tiếng với ngoại quốc. Trước Ngài, có đức Đổng Thiên Vươngngười bản quốc phá tan giặc ngoại, nhưng công thành, phi thăng ngay, cho nên ngoại quốc không mấy người biết tiếng.

Như Ngài đây sinh nước ta, mà công nghiệp ở cả nước Tàu, chẳng khác gì một ngôi sao mọc ở phương Nam mà chiếu sáng phương Bắc, sử sách ta thêm một ánh sáng lạ lùng. Tượng đồng lưới sắt kém gì roi sắt ngựa đồng. Trạng mạo lạ, gặp gỡ lạ, sự nghiệp lạ, mà dấu thiêng cũng lạ. Đến nay đã mấy nghìn năm mà oai linh Ngài còn đầy dẫy ở trên núi Tản, sông Hồng. Tục ngữ có câu rằng: “mảnh ngói vua Chèm”, biết rằng đền Ngài linh ứng lắm.

Đền ngài ở trên đê Hồng Hà địa phận làng Thụy Phương là cố trạch của ngài. Sử ta chép rằng: ông Triệu Xương làm, ông Cao Biền sửa, hai ông ấy là quan Đô hộ Tàu, mà tôn kính Ngài cũng như người bản quốc. Vật đổi sao dời, đê sông đã nhiều phen muốn lở, mà bốn trụ đền Ngài vẫn trang nghiêm như cũ.

Năm Ất Mão (1915) tháng 6, đê Liên Mạc vỡ; tháng hai năm Bính Thìn (1916), nghị định dời đê làng Thụy Phương vào bốn mươi trượng, đắp thành đê mới, mà đền ngài buộc ở giữa hai lần đê. Đê mà cao thì đền cũng phải nâng cao, một là tránh thủy nạn, hai là tôn miếu mạo. Đương lúc cất cử dân ba làng Chèm lo không nổi, quan Tổng đốc Hà Đông lấy chức trách địa phương, thương thuyết cùng các quan Bảo hộ, trích tiền công, lập sổ quyên, nhờ cụ Quận Thái Xuyên đứng hưng công, mà thân hào, kì dịch, dân ba làng Chèm thì góp tiền, giúp sức. Các tòa đều cao lên 6 thước.

Công việc từ tháng giêng đến tháng chạp, một năm trời mới xong, cậy tôi làm văn bia để chép thực. Tôi tính ra, đền Ngài lập từ khi ngoài thuộc nhà Đường, đã hai ngàn năm nay mà chưa có bia. Than ôi! Nhờ có sử chép mới rõ là con Lạc cháu Hồng, nòi giống mình vẫn là giỏi, khi mấy nghìn năm mà đã có đấng phi thường, lập công ngoại quốc. Sự vẻ vang ấy lưu truyền đến bây giờ. Nhờ có đền thờ mới biết các đấng anh hùng, chẳng những người nước mình sùng bái mà những các quan ngoại quốc ông thì làm, ông thì sửa. Các khách ngoại thương cũng đến xem đến lễ, mới rõ là sự sùng bái ấy là công lý khắp cả trong hoàn cầu. Có sử chép, có đền thờ, lại phải có bia khắc để bổ thêm vào chính sử, mà cổ tích mới càng dễ lưu truyền. Lên đền này, đọc bia này, muôn nghìn năm về sau còn phảng phất thấy đấng anh hùng kì thứ nhất ngày xưa. Càng ghi nhớ người xưa, càng tỏ lòng yêu nước tổ.

Quan Tổng đốc Hà Đông họ Hoàng tên Trọng Phu, [con] cụ Quận Thái Xuyên, ngài thường hay lưu tâm dân chính, mà tôi là người huyện Từ Liêm gần đền Chèm thuộc về tỉnh Hà Đông.

Ngày 28 tháng 6 năm Khải Định 2 (1917).

Đặc ban đồng Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1895), nguyên Án sát sứ tỉnh Lạng Sơn, Mỗ Phong Nghiêm Xuân Quảng phụng soạn