VỀ CHÚNG TÔI


Lời giới thiệu tóm lược

Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Thụy Phương là một trong 13 phường của quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP, ngày 27/12/2013 của Chính phủ. Phía Bắc giáp sông Hồng nhìn sang xã Võng La, huyện Đông Anh, phía Nam giáp phường Minh Khai và Cổ Nhuế II, phía Đông giáp phường Đông Ngạc và Đức Thắng, phía Tây giáp phường Liên Mạc. Tổng diện tích tự nhiên là 293,3 ha, dân số gần 14.000 người. Về hành chính phường Thụy Phương chia thành 7 Tổ dân phố: Đình, Đại Đồng, Đông Sen, Hồng Ngự, Cầu Bẩy, Tân Nhuệ và Tân Phong.

(Ảnh UBND Phường Thụy Phương từ bên ngoài)

Thụy Phương có tên Nôm là làng Chèm, Chèm là một làng Việt cổ có nhiều huyền tích gắn với sông Hồng và miền đất cổ Từ Liêm. Các nhà ngôn ngữ học và dân tộc học cho rằng Chèm phải viết đúng là Trèm - tiếng Việt cổ phát âm là Brem - Blem - Tlem chỉ một miền đất rộng và đẹp, sau này được ghi âm chữ Hán là Từ Liêm. Tên gọi Từ Liêm xuất hiện với tư cách là đơn vị hành chính cấp huyện từ năm Vũ Đức thứ 4 (621 sau công nguyên), có xuất xứ từ làng Chèm .


Các tài liệu cổ còn lưu lại có ghi chép về sự thay đổi tên của phường Thụy Phương qua các thời kỳ như sau: Thụy Phương xưa gọi là xã Từ Liêm, thời Cao vương (863-868) đổi thành xã Thụy Hàm hay Thị Kiềm, sau chuyển thành xã Thụy Uyên rồi thành Thụy Điềm. Đến niên hiệu Diên Thành nhà Mạc ( 1578-1585) lại đổi làm xã Thụy Hương huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, đến niên hiệu Kiến Phúc nhà Nguyễn (1883-1884) lại đổi tên là xã Thụy Phương , huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội. Năm 1955 là xã Thụy Phương, quận V, ngoại thành Hà Nội. Từ ngày 31/5/1961 là xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập hai quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội, xã Thụy Phương trở thành phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2014.

Trải qua quá trình đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ quê hương, người dân làng Chèm-Thụy Phương đã dần hình thành nên truyền thống văn hóa đặc sắc của mình , những dấu ấn văn hóa đó còn đọng lại dưới dạng vật chất đó là các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như đình Chèm, chùa Chèm và lễ hội truyền thống đình Chèm nổi tiếng.

(NGHI MÔN ĐÌNH CHÈM NĂM 1930)


Đình Chèm (còn gọi là đền Chèm, đền Lý Hiệu Úy, Thụy Hương từ…) thuộc phường Thụy Phương – quận Bắc Từ Liêm – thành phố Hà Nội, thờ Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng, theo thần tích và truyền miệng tại địa phương thì Ngài sinh vào thời Hùng Duệ Vương, chí dũng song toàn, thông minh chính trực, được Duệ Vương phong chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội. Khi Thục Phán An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, Ngài đã hết lòng phò tá Thục Phán An Dương Vương lãnh đạo quân dân Âu lạc đánh bại quân xâm lược nhà Tần, ngài được An Dương Vương phong chức Hữu Thừa tướng. Để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước, ngài được An Dương Vương cử đi sứ nhà Tần và được sử sách và các nhà nghiên cứu tôn vinh là nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Khi ấy biên giới phía Bắc nước Tần luôn bị quân Hung Nô uy hiếp, Tần Thủy Hoàng phong cho Ngài chức Tư lệ Hiệu úy đem quân trấn giữ biên giới, uy danh chấn động Hung Nô. Vua Tần mến phục ban tước Phụ Tín Hầu và gả công chúa Bạch Tĩnh Cung cho Ngài. Trở về nước, được An Dương Vương ban tước Đại vương, Ngài đã có công diệt trừ thủy quái, khuyến khích nông tang đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Sau khi mất Ngài được nhà vua sắc phong là Thượng Đẳng Phúc Thần duệ hiệu là Hy Khang Thiên Vương, được nhân dân tôn xưng là Đức Thánh Chèm và lập đền thờ tại quê nhà làng Chèm nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.

Đình Chèm mang dáng dấp của kiến trúc cung đình, tọa lạc trên thế đất địa linh, đình Chèm gồm có các hạng mục Nghi môn ngoại (4 cột đồng trụ), Nghi môn nội (Tàu tượng), hai tòa tiểu phương đình (nhà bia), hai dãy nhà tả hữu mạc, tòa phương đình, khu vực trung tâm của đình Chèm gồm các tòa tiền tế đại bái và hậu cung. Theo thần tích đình được xây dựng ngay sau khi Ngài qua đời. Khởi nguyên là một tòa miếu nhỏ. Năm Trinh Nguyên thứ nhất nhà Đường (785 sau công nguyên), Triệu Xương được cử sang làm đô hộ An Nam rất kính phục đã cho sửa lại tòa miếu thành nhà cao tầng trồng, năm 864 Cao Biền sang làm đô hộ An Nam đã sửa lại đền lớn hơn quy mô cũ, tạc gỗ làm tượng, sơn son thếp vàng, gọi là đền Lý Hiệu Úy. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn, đình Chèm luôn được trùng tu, sửa chữa mà tiêu biểu nhất là sự kiện kiệu đình Chèm, nâng toàn bộ ngôi đình lên cao 2,4m để tránh ngập úng vào năm Bính Thìn 1916.

(KHUÔN VIÊN ĐÌNH CHÈM)


(Toà Phương Đình Đình Chèm)


Đình Chèm hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị nghệ thuật cao như 08 bức hoành phi, 15 đôi câu đối, hệ thống máng đồng, 04 bia đá, 03 đạo sắc phong, 04 cây thiên mệnh... đặc biệt là tượng Đức Thánh Hy Khang thiên vương , đức Hoàng Phi Bạch Tịnh Cung, 06 người con, đức quản tượng, đức ông sứ, 02 cô hầu… được tạc bằng gỗ quý năm Đinh Hợi (1887) – thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc, nghệ thuật, năm 1990 đình Chèm được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Với những giá trị đặc biệt về văn hóa và lịch sử, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng đình Chèm là Di tích quốc gia đặc biệt.

(Bức hoành phi: Danh văn Nam, Bắc)


(Bức hoành phi: Uy chấn Hoa di)


Long phún thủy- Phượng hàm Thư chạm khắc trang trí trên kiến trúc tòa Tiền Tế. Phong ách nghệ thuật thời Nguyễn.


(Tượng Đức Hi Khang Thiên Vương – Lý Ông Trọng)


Để tri ân công đức của đức thánh Hy Khang thiên vương Lý Ông Trọng, hàng năm nhân dân ba làng Chèm (phường Thụy Phương) – Hoàng, Mạc (phường Liên Mạc) cùng nhau tổ chức ngày giỗ đức thánh Lý Ông Trọng vào ngày 10 tháng Giêng, ngày giỗ đức Hoàn phi Bạch Tịnh Cung vào ngày 02 tháng hai âm lịch và tổ chức Lễ hội truyền thống đình Chèm còn gọi là Pháp hội (tri ân và tưởng niệm những người đã hi sinh vì đất nước) với sự tham gia của nhân dân xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên và làng La Tinh, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lễ hội được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 âm lịch với các hoạt động tiêu biểu như rước nước trên sông Hồng, rước văn, lễ mộc dục (tắm tượng), lễ phóng sinh (thả chim câu), các hội thi nấu chè kho, hội thi bơi, cờ người, tổ tôm điếm, giao lưu văn nghệ của nhân dân 3 làng Chèm – Hoàng – Mạc… luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân và du khách thập phương. Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, năm 2016 lễ hội truyền thống đình Chèm đã được nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

(LỄ HỘI ĐÌNH CHÈM – DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA)


(Nghi lễ lấy nước trên Sông Hồng)


(Nghi lễ lấy nước trên Sông Hồng)


(Nghi lễ rước nước)


(Đội phù giá - lễ hội Đình Chèm)


(MÚA RỒNG TẠI LỄ HỘI ĐÌNH CHÈM)


(HỘI THI NẤU CHÈ KHO NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG LỄ HỘI ĐÌNH CHÈM)


(NGHI LỄ PHÓNG ĐIỂU - NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG LỄ HỘI ĐÌNH CHÈM)