Nhân vật lịch sử


DANH NHÂN LÝ ÔNG TRỌNG NHÀ NGOẠI GIAO ĐẦU TIÊN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Đời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) ở xã Thụy Uyên, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay là xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội) có một người thi thư tài tử, hiếu đễ nối nhà tên là Lý Hương vợ là Tạ Thị Trầm, hai ông bà sinh được một người con trai đặt tên là Lý Tuấn. Lớn lên Lý Tuấn sáng suốt khác thường, thông minh chính trực, xứng là bậc anh hùng trên đời. Dẫu vậy đến tuổi trưởng thành vẫn chưa tìm được người xứng đáng để sánh duyên loan phượng.

Một ngày nọ, ông đến bến Quán Châu đầu thôn Trạo Thôn, xã Đa Lộc, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay là thôn Trạo Thôn, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) thì gặp một người con gái tuổi vừa mười tám, nhan sắc tuyệt trần, dung mạo đoan trang tên là Kha Nương. Nàng là con gái ông Hoàng Nguyên và bà Vương Thị Huân gia thế trâm anh, một lòng hiếu thuận. Biết tiếng Lý Tuấn, ông Hoàng Nguyên bèn cho người mời đến dự tiệc, đối đãi rất hậu và gả con gái Kha Nương cho ông. Sau đó hai ông bà trở về xã Thụy Uyên để làm lễ tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, mở lòng làm phúc, gắng sức làm điều nhân, ông bà luôn tâm niệm:

Bán điểm hại nhân vô chước ý

Nhất hào lợi kỷ mạc phân tâm

Nghĩa là:

Nửa nét hại người không cố ý

Một ly mình lợi chẳng mang lòng

Một ngày đẹp trời, bà Kha Nương đang dạo chơi trong vườn hoa bỗng thấy trong lòng phấn chấn, khắp mình toả hương thơm, từ đó bà có mang. Mười ba tháng sau vào giờ Dần ngày mồng mười, tháng ba năm Bính Tuất, bà sinh được một người con trai hình dung tuấn tú, khí tượng lạ kỳ. Lúc sinh ngài trên trời mây lành rực rỡ, khắp nhà hương thơm ngào ngạt, hai ông bà mừng rỡ cho đó là trời ban phúc bèn đặt tên là Lý Thân. Năm mười tám tuổi, ngài mình cao hai trượng, sức địch muôn người, chí dũng siêu quần, thông minh xuất chúng có tài ngang trời dọc đất, ngài thường nói rằng:

“Làm người ở đời nên có chí lớn như chim Loan, chim Phượng cất cánh bay xa muôn dặm, sao chịu làm tôi tớ người để cho người mắng nạt”.

LĂNG MỘ ĐỨC THÁNH MẪU NGUYỆT QUANG PHU NHÂN, THÔN TRẠO THÔN, XÃ ĐA LỘC, ÂN THI, HƯNG YÊN


Gặp lúc Hùng Duệ Vương xuống chiếu tuyển người hiền tài ra giúp nước, huyện Từ Liêm tiến cử Lý Thân. Ngài bèn đổi tên là Ông Trọng rồi đến yết kiến nhà vua, Duệ Vương rất hài lòng liền phong cho ngài chức Chỉ huy Sứ. Ngài đã giúp nhà vua dẹp yên các loại giặc hay quấy nhiễu biên giới phía Tây và phía Nam khiến chúng sợ không dám xâm phạm bờ cõi nước Văn Lang.

Mấy năm sau Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán. Thục Phán lấy hiệu là An Dương Vương và đổi tên nước là Âu Lạc. Lúc này ở phương Bắc, Tần Thuỷ Hoàng1 đã thống nhất Trung Quốc, với tham vọng bành trướng xuống phía Nam, cử tướng Đồ Thư mang 50 vạn quân sang đánh nước ta. Cùng với các tướng lĩnh tài giỏi của Âu Lạc, Ngài đã hết mình phò tá giúp Thục Phán An Dương Vương đánh bại quân xâm lược của nhà Tần, giết được chủ tướng giặc là Đồ Thư, buộc chúng phải tháo chạy về nước. Sau khi thắng trận khải hoàn, ngài đã tổ chức mở hội mừng công, khao thưởng ba quân và làm lễ cầu siêu cho các tướng sỹ đã quên mình vì nghĩa lớn.

Lúc bấy giờ biên giới phía bắc nước Tần luôn bị quân Hung Nô quấy nhiễu, quân tướng nhà Tần không sao dẹp được. Nghe uy danh Ngài ở Âu Lạc, Tần Thuỷ Hoàng bèn gửi thư sang nước ta nhờ giúp, vua Thục cũng muốn giữ tình hoà hiếu giữa hai nước liền cử ngài đi sứ 2 sang nước Tần, cùng đi có ông Nguyễn Văn Chất người làng Hoàng Xá giữ chức Quản mã vừa là tuỳ tướng bảo vệ vừa là thầy thuốc riêng của Ngài.

ĐỨC HY KHANG THIÊN VƯƠNG LÝ ÔNG TRỌNG


Đến kinh đô Hàm Dương của nước Tần, ngài được Tần Thủy Hoàng phong chức Tư Lệ Hiệu Uý và đem 10 vạn quân đến trấn giữ đất Lâm Thao (Cam Túc, Trung Quốc), với tài mưu lược ngài đã sai quân canh phòng vùng biên giới hết sức nghiêm ngặt, lại dùng mưu tung thám sát vào sâu địa phận Hung Nô để dò xét tình hình và tổ chức bảo vệ Trường thành rất chu đáo. Uy danh của ngài chấn động đất Hung Nô, từ đó chúng hoảng sợ không dám quấy nhiễu biên giới nước Tần nữa.

Mến tài đức của ngài vua Tần phong ngài làm Phụ Tín hầu và gả công chúa Bạch Tĩnh Cung cho với mong muốn giữ ngài ở lại nước Tần mãi mãi. Nhưng vinh hoa phú quý cũng không làm ngài nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, đất nước. Một thời gian sau, ngài bèn dâng biểu xin vua Tần cho về quê hương để được phụng dưỡng mẹ già. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của ngài, vua Tần cho phép ngài đưa gia quyến trở về nước.

Về tới kinh đô yết kiến vua Thục, vua Thục khen là có công ban cho ngài Tiết Việt 3 để cùng lo việc nước, vua tôi đồng thuận, thiên hạ yên bình. Ngài lại tâu nhà vua xin cho quê nội là xã Thụy Uyên cùng quê ngoại là thôn Trạo Thôn được miễn phu phen tạp dịch, coi dân như con, vua chuẩn tấu và phong cho ngài tước Đại Vương. Ngài làm lễ bái tạ rước sắc phong về xã Thụy Uyên làm lễ tổ tiên, khao thưởng nhân dân và quân sỹ. Trên đường về nhà khi đi qua bến Vĩnh Tân (khúc sông Hồng trước làng Chèm) khúc sông ấy có rất nhiều giao long, thuỷ quái chuyên hoành hành làm hại dân lành, bỗng có con giao long khổng lồ nổi lên đớp mất chiếc hài thêu của công chúa Bạch Tĩnh Cung, ngài nổi giận rút gươm chém đứt làm ba khúc quẳng sang bờ Bắc. Tiếp đó ngài lại thả lưới sắt chắn nước ngăn loài thuỷ quái khiến chúng hoảng sợ không dám đi qua quãng sông Hồng từ cửa sông Hát đến Hồ Tây. Từ đó trở đi nhân dân mới được yên ổn làm ăn sinh sống không còn bị thuỷ quái quấy nhiễu nữa. Về tới quê nhà được tin cha ngài đã mất, ngài đưa thân mẫu trở về quê ngoại để phụng dưỡng. Một thời gian sau thân mẫu ngài trở bệnh ít lâu rồi mất vào ngày mười hai, tháng mười một, thọ tám mươi mốt tuổi, táng tại xứ Gò Lanh, được nhà vua phong tặng là Thánh mẫu Nguyệt Quang phu nhân. Sau ba năm để tang, Ngài để phu nhân ở lại thờ cúng thân mẫu rồi cùng các con trở về xã Thụy Uyên. Tiếp đó Ngài khuyến khích nhân dân hai quê nội, ngoại chăm lo làm ruộng, trồng dâu, làm điều lợi, bỏ điều hại khiến nhà nhà đều no ấm, yên vui. Dân hai quê rất kính mến và biết ơn công đức của ngài, coi như núi cao, biển rộng không thể nói xiết mới làm lễ xin ngài duệ hiệu để khi ngài trăm tuổi cho thờ phụng về sau, ngài hứa cho.

Một thời gian sau, quân Hung Nô biết ngài đã trở về nước nhà, lại đem quân xâm lấn nước Tần. Vua Tần sai sứ sang nước ta triệu ngài sang Tần để dẹp Hung Nô. Sứ nhà Tần đến nơi thì ngài đã hoá, bèn trở về tâu với Tần Thuỷ Hoàng. Vua Tần rất thương tiếc bèn cho đúc tượng đồng giống như hình ngài, trong bụng chứa được hàng chục người có thể cử động được xe đến chỗ Hung Nô, quân Hung Nô tưởng ngài còn sống hoảng sợ chạy trốn. Tiếp đó vua Tần sai người đưa đồng và vàng bạc sang cho vua ta đúc tượng ngài để thờ ở trong nước. Vua Thục bằng lòng để hai nước cùng thờ vì có công lớn, các con của Ngài về sau đều được phong tước vương. Tiếp đó nhà vua truyền cho xã Thụy Uyên là quê hương ngài cùng với thôn Trạo Thôn quê ngoại và các địa phương mà ngài đã đi qua đều lập đền thờ ngài, nhà vua cũng chuẩn y cho thôn Trạo Thôn, xã Đa Lộc được thờ phụng đức thánh mẫu Nguyệt Quang phu nhân, lưu truyền hương hoả về sau không dứt.

Năm Trinh Nguyên thứ 7 đời vua Đường Đức Tông, nhà Đường cử Triệu Xương sang làm quan đô hộ nước ta. Triệu Xương vào chơi đất Từ Liêm đêm về mộng thấy cùng ngài đàm đạo về những điều trọng yếu trong đạo trị bình và giảng sách Xuân Thu, Tả truyện bèn tìm về nơi ở cũ của ngài tu sửa lại đền miếu nhà cao tầng chồng, dọn lễ dâng tế. Khi đất Giao Châu bị quân Nam Chiếu (vùng Vân Nam Trung Quốc) sang quấy nhiễu. Cao Biền được ngài hiển linh phù trợ, dẹp yên được giặc. Sau đó Cao Biền đã tìm về đền thờ ngài cho sửa sang lại đền to hơn quy mô cũ, tạc gỗ làm tượng sơn son, thếp vàng gọi là đền Lý Hiệu Uý và cử người trông nom cúng tế hàng năm.

Hoàng Phi Bạch Tịnh Cung


Trải qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần bốn họ đều mở mang cơ nghiệp, ngài thường hiển linh giúp nước, cứu dân rất là linh ứng. Ngài đã hiển linh giúp đỡ vua Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) vua Trần sắc phong cho ngài mỹ tự Uy Mãnh, năm Trùng Hưng thứ tư (1288) sắc phong mỹ tự Anh Liệt, năm Hưng Long thứ 21 (1313) gia phong Phụ Tín Đại Vương bậc Thượng đẳng phúc thần. Các đời vua sau đều gia phong mỹ tự, cúng tế ngàn năm, cùng trời đất lâu dài, thật là tốt đẹp hiếm có.

Duệ hiệu của ngài là Hy Khang Thiên Vương.