Văn hoá phi vật thể


Nhàn ngâm chư phẩm thi tập

Giới thiệu:

Bài Lý Ông Trọng lấy từ sách Nhàn ngâm chư phẩm thi tập, phụ chép sau sách Hồng Đức quốc âm thi tập. Trước nay, các bản phiên chú đã công bố đều cho Nhàn ngâm chư phẩm thi tập là một phần của Hồng Đức quốc âm thi tập, vì thế coi bài này thuộc sáng tác của vua Lê Thánh Tông vào cuối thế kỷ 15. Nay theo luận án Tiến sĩ Nghiên cứu thơ Nôm Lê Thánh Tông trong Hồng Đức quốc âm thi tập của Trần Thị Giáng Hoa, xin cải chính. Dựa trên một số từ cổ như “chỉn”, “cấu”, “rân”, “vọi vọi”, “nhơn nhơn”, bài thơ này có khả năng được sáng tác vào thế kỷ 17- 18 bởi một tác giả khuyết danh.


Phiên âm: Lý Ông Trọng

Tầm cả tầm cao chỉn(1) xuất quần(2),

Khí thiêng quang (3) cấu mười phân(4).

Phò Nam dẹp Bắc tài văn võ,

Chấn nước dậy non(5) sức quỷ thần.

Vọi vọi Thụy Hương(6), đền đã dựng,

Nhơn nhơn Tư Mã, tiếng còn rân(7).

Chàng Cao, gã Triệu chiêm bao tỏ(8),

Càng sợ An Nam có thánh nhân.


1. Chỉn: (từ cổ) thực là.

2. Xuất quần: hơn hẳn mọi người.

3. Quang nhạc 光岳: tức tam quang ngũ nhạc (三光五岳), trỏ trời đất nói chung, gồm nhật, nguyệt, tinh và năm ngọn núi lớn trong thiên hạ ( Thái Sơn 泰山 ,Hành Sơn 衡山 , Hoa Sơn 华山 、 Nhạc Sơn 岳山 、Hằng Sơn 恒山). Mã Đoan Lâm trong Văn hiến thông khảo ghi: “trời đất đã phân, khí gió ngày càng trệ” ( 光岳既分,風气日漓).

4. Cấu 構: (từ cổ) xây dựng, hun đúc.

5. Chấn nước dậy non: dịch từ chữ chấn hưng sơn hà. Có bản phiên là “chấn nước giày non” với nghĩa “làm vang động cả non sông”.

6. Thụy Hương: tên cổ của Thụy Phương.

7. Rân: (từ cổ) kêu vang.

8. Chàng Cao: tức Cao Biền, được vua Đường cử làm Đô hộ sứ ở Giao Châu, từ năm 863 đến năm 867. Gã Triệu: tức Triệu Xương.