Văn hoá phi vật thể


Lý Thiên Vương thi

Giới thiệu:

Bài thơ Lý Thiên Vương thi, theo được phụ chép trong Lĩnh Nam chích quái, nhưng không nói rõ là của ai. Khảo trong Lý Thiên Vương sự tích thì bài này là của Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm(1) - một trong những danh sĩ nổi tiếng thời Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông. Đặng Minh Khiêm vốn là một nhà thơ sở trường về mảng đề tài vịnh sử. Và bài thơ này là một trong những bài thơ vịnh sử sớm nhất hiện biết về Lý Ông Trọng. Nay xin giới thiệu.


Phiên âm:

Văn vũ toàn tài đại trượng phu,

Hàm Dương di tượng nhiếp quần hồ.

Vĩnh Khang nhất nhập đàm kinh mộng,

Huyết thực Nam thiên tráng đế đồ.


Dịch nghĩa:

Bậc đại trượng phu văn võ toàn tài,

Di tượng ở Hàm Dương làm khiếp hãi bọn giặc Hồ.

Vĩnh Khang(2) một lần bàn kinh sách trong mộng,

[Được] tế tự(3) ở trời Nam, [Ngài] sẽ làm cơ đồ đế vương thêm vững mạnh.


Dịch thơ:

Văn võ toàn tài bậc trượng phu,

Hàm Dương di tượng khiếp quân Hồ.

Vĩnh Khang trong mộng bàn kinh sách,

Hương lửa trời Nam, vững cơ đồ.


1. Đặng Minh Khiêm 鄧明謙 (? - ?), tên tự là Trinh Dự, tên hiệu là Thoát Hiên nguyên quán ở Can Lộc, sau chuyển đến Mạo Phố, Sơn Vi (nay là xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, Phú Thọ). Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân năm 1487, từng giữ các chức Thượng thư kiêm Sử quán Tổng tài, Tri chiêu văn quán, Tú lâm cục, từng hai lần đi sứ Trung Quốc. Sinh thời rất được trọng vọng. Tác phẩm: Thoát Hiên tiên sinh vịnh sử thi tập, có thơ trong Toàn Việt thi lục. [theo Trịnh Khắc Mạnh 2012: 469].

2.Vĩnh Khang: bến Vĩnh Khang, bến Chèm.

3.Huyết thực 血食: (động từ) nhận hưởng đồ tế phẩm. Thời cổ thường giết các con vật, lấy máu mà tế, nên mới gọi vậy. Sách Hán thư ghi: “nhà Tần cướp đoạt đất của nước Việt, khiến cho các thần xã thần tắc nước ấy chẳng được tế tự.” (秦 侵夺其,使其社稷不得血食). Nhan Sư Cổ chú: “tế thì chuộng máu tanh, cho nên gọi là huyết thực.” (祭者尚血腥,故曰血食也). Sau, huyết thực trỏ các việc tế tự, hương hỏa nói chung.