Văn hoá phi vật thể


Lý Thiên Vương sự tích

Giới thiệu:

Lý Thiên Vương sự tích hiện có hai văn bản còn lưu trữ, một đang lưu trữ tại tư gia, một bản ở kho sách của Viện NC Hán Nôm. Văn bản dùng ở đây là văn bản bản được định bản năm 1937 chép lại từ bản năm 1823 của gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh phường Thụy Phương.

Văn bản này ngoài việc chép sử liệu về Lý Thiên Vương trong Đại Việt sử ký toàn thư, Giao Châu ký, Lĩnh Nam chích quái, còn ghi lại lịch sử hiển thánh của Lý Thiên Vương từ thời Hồ - Lê sơ cho đến Lê trung hưng, Tây Sơn, và Nguyễn. Trong đó có tuyển một số bài văn tế, đặc biệt quý là các bài văn tế của chúa Trịnh Tạc và Trịnh Doanh.

Lý Thiên Vương sự tích là một văn bản có nhiều tác phẩm, nên chúng tôi gần như chọn dịch toàn bộ. Những đoạn nào trùng với các sách khác thì sẽ lược bỏ và chú thích dưới chân trang.

Lý Thiên Vương sự tích thừa sao chính bản.

Sự tích Lý Thiên Vương ở bản tự.

• Thánh tượng hai tòa:

1. Lý Ông Trọng Hi Khang Thiên Vương (húy Thân).

2. Hoàng phi Bạch Tịnh Cung.

• Sáu vị vương:

1. Bạch Hạc Quan Trung đại vương (Lý Đương Thì).

2. Mặc Phán Cao Quan đại vương (Lý Thường Minh)

3. Tả Nương Bà Ả công chúa.

4. Hữu Nương Bà Du công chúa.

5. Hoàng Đồng Cối Cát đại vương.

6. Cao Sơn Linh Ứng đại vương.

• Hầu bên tả, hiệu: Bà Ngọc Xá.

• Hầu bên hữu, hiệu: Bà Bá Tùy.

• Ông sứ quan thần mã bên tả: đức Ông Sứ.

• Ông quản quan bạch tượng bên hữu: đức Ông Quản.

Lý Thiên Vương truyện (trích từ Chích quái tập)(1).

Lỗ công Giao Châu ký.(2)

Bài Lý Thiên Vương thi của Thoát Hiên Đặng Minh Khiêm3.

Trần Thế Pháp bình: “Đổng Thiên Vươngphá giặc Ân, Lý Thiên Vương oai chấn Hung Nô, thực là nước Nam cũng có người!”.


Sự tích

Xét truyện có nói rằng, Tần Thủy Hoàng có gả Thánh nữ cho [Ngài].

Lý Thiên Vương làm lễ thành hôn xong, thì hồi hương. Khi đến bến Vĩnh Khang để qua sông thì các loài thủy tộc hiện hình kêu rít. Nhân đó, Thiên Vương mới lội xuống vây bắt thủy

quái, thuồng luồng ba ba đều ném qua cánh đồng xã Vân Canh. Rồng bị mất đuôi, cho nên đầm nước ở Vân Canh có tên là Ông Đuôi [Cụt]. Từ đó, vua Long Quân của các loài thủy tộc, khi làm lũ lụt, chỉ dám vào đến sông nhỏ Hát Môn, mà chẳng dám qua trước miếu đền ta.

Xét truyện nói rằng: bến sông trước đền có đặt lưới sắt chắn ngang để chế ngự thủy tộc. Có khối đất như hình đống sắt đến nay vẫn còn.

Xét, đền miếu đời trước là di tích cũ, khi xây dựng thấy có một cây gỗ đinh bỗng trôi về bến sông, cứ như là có thần linh giúp sức. Nhân đó, dân hộ nhi ba xã mới kéo lên khỏi sông, dựng làm thượng điện, hương khói đến nay không bao giờ dứt.


Đời Hồ- Lê sơ (1401, 1428)

Trong những năm Thiệu Thành (1401- 1402)4 đời [Hồ] Hán Thương, nhà Minh có tướng quân Liễu Thăng đem mười vạn binh đến xâm lược nước Nam, làm dân gian tán loạn. Khi ấy có ông Trần Nguyên Hãn ở huyện Lập Thạch đạo Sơn Tây, lấy việc buôn bán dầu làm nghiệp. Đến buổi chiều tối, trú chân ở ngoài tam quan đền Lý Thiên Vương. Đến đêm, mộng thấy một đội quân sĩ, tinh kỳ võng lọng từ trên không trung bay xuống, mời Lý Thiên Vương cùng lên Thiên đình hội nghị. Chốc lát lại về nói rõ, Ngọc Hoàng Thượng Đế ban sắc chỉ cho Lê Lợi cai trị nước Nam, vỗ yên dân chúng.

Khi tỉnh dậy, biết việc như thế, ông đi tìm hỏi các chư tướng ở binh đồn, hỏi kỹ càng danh tính mà chẳng gặp được người như trong mộng. Bèn lánh mình vào đến quan Phụ đạo ở Lâm Ấp, [mới biết] có người huyện Thụy Nguyên ở đồn Lam Sơn có họ tên như vậy. Bèn nhân thời cơ, vượt qua bao gian nan hiểm trở, tham gia việc chinh phạt. Đến khi đã được thân gần, mới bày lời nói lại giấc mộng thần linh báo điềm thuở xưa.

Đến khi bình Ngô khai quốc xong (1428), truy niệm đến công đức của Thần, mới ban tứ sắc chỉ, mở rộng đền miếu, chuẩn cho làm tạo lệ hương hỏa. Lại ban cho ruộng tế 100 mẫu ở xã La Tinh của bản huyện, lại thêm các khoản tiền đò ngang ở bến Vĩnh Khang từ địa phận xã Hạ Trì đến chợ xã Đông Ngạc, chuẩn cho phụng sự hương hỏa báo đáp công ơn thần để khiến cho quốc mạch mãi trường tồn.


Đời Hoằng Định (1610)

Đến khi nhà Lê trung hưng, năm Canh Tuất, tức năm thứ 11 niên hiệu Hoằng Định đời vua Kính Tông Huệ Hoàng đế (1610), nhằm ngày 23 tháng 2, đúng giờ Mùi, voi ngựa trong đền bỗng nhiên kêu rống, dưới sông có chiếc thuyền, trống chèo nhộn nhịp, phút chốc đã chẳng thấy đâu nữa. Bấy giờ quan thừa ti5 bản xứ khi xác thực việc ấy bèn tâu lên, được ban cho 15 quan tiền lễ. Đến ngày mùng 2 tháng ba, sai quan đến tế, lại ban lệnh dụ cho được nhiêu trừ các việc hộ phận, đê điều, đường xá; lại chuẩn cho từ thừa, tự thừa6 và 33 sái phu của nhà đền được miễn việc sai dịch.


Đời Vĩnh Tộ (1622)

Lại đến một đêm tháng 10 năm Nhâm Tuất tức năm thứ 4 niên hiệu Vĩnh Tộ đời Thần Tông Uyên Hoàng Đế (1622), bạch tượng kêu rống, thần mã hí dài, dưới sông lại có chiếc thuyền, trống chèo nhộn nhịp, phút chốc đã chẳng thấy đâu nữa. Khi đó, hộ nhi ba xã kính tâu lên, [vua] lại sai quan đến tế, gia phong thêm mỹ tự [cho Ngài].


Đời Đức Long (1634)

Đến ngày mồng 4 tháng giêng năm Giáp Tuất, tức năm thứ 6 niên hiệu Đức Long (1634), đền thờ bỗng thấy hai tòa thánh tượng toát đổ mồ hôi trên mặt7, ngoài cửa thì thấy voi đất ngựa đất cất tiếng kêu tiếng hí. Quan hai ti thừa hiến xét thực kính tâu, được gia phong làm Thượng đẳng từ, chuẩn cho 8 quan cổ tiền, và 820 văn để mua lễ, để mãi làm xuân tế, mãi làm lệ thường niên.


Đời Cảnh Trị (1668)

Đến năm Mậu Thân, tức năm thứ 6 niên hiệu Cảnh Trị đời Huyền Tông Mục Hoàng Đế (1668), kính nhờ đức trên (chúa Trịnh), truy tưởng công ơn thần báo ứng, lệnh ban cho bản đền, được dự vào hàng từ thừa, sai quan bộ Lễ tra rõ sự tích cũ, lại ban sắc lệnh chuẩn cho từ quan (quan chuyên trách việc thờ cúng) để phụng sự hương hỏa Thượng đẳng thần. Các việc sai dịch đều chuẩn cho được miễn hết, từ đó về sau được gọi là “từ quan”.


Đời Vĩnh Trị (1680)

Đến giờ hợi ngày 27 tháng 3 năm Canh Thân, tức năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh Trị (1676- 1680) đời vua Hy Tông Chương Hoàng đế8 (1680), voi đất ngựa đất ngoài cửa đền phát ra một tiếng kêu ngắn, một tiếng kêu dài. Khi đó, Đề lại bản huyện là Nguyễn Công Tính, Nguyễn Quang Bật, đang ngồi với nhau thì nghe thấy, bèn cùng tâu quan hai ti tra xét thực, rồi khải tấu lên trên. [Nên] được ban lễ tế, và cấp cho lệnh dụ, chuẩn cho xã Thụy Hương làm hương hỏa tạo lệ, xã Hoàng Xá, Mạc Xá làm thủ lệ. Còn các việc [thuế] hộ khẩu thuế đường xá đê điều, với những sưu sai tạp dịch, đều chuẩn cho trừ miễn hết.


Phụ lục:

Phụng sai quan tế văn (Trịnh Tạc, 1680)

Vào ngày Canh Tuất vượt qua ngày sóc Canh Dần 21 ngày, tháng 3, năm Canh Thân, tức năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh Trị (1680), Đại nguyên súy - Chưởng quốc chính - Thượng sư - Thái phụ - Đức Công - Nhân Uy - Minh Thánh - Tây Vương9 đặc sai Đề đốc - Phấn Lục hầu - Đào Đình Nghi, kính dùng các vật như thái lao (tam sinh: trâu, dê, lợn), tư thình (xôi), rượu thanh, kim ngân… đến tế trước linh vị đức Lý Hi Khang Thiên Vương ở đền Thụy Phương rằng:

Thờ điềm lạ để cầu ân phúc, ắt phải cáo lễ vậy. Nay căn cứ vào lời khải tấu của hai ti xứ Sơn Tây, xét nghe các quan nha môn của Từ Liêm và dân hộ nhi đều nói rằng ngoài tam quan của bản từ có tiếng kêu của voi của ngựa. Ý rằng, [loài] vật cũng có cảm ứng mà như vậy. Tướng Thần linh thì cũng là thể theo cái lòng trời nhân ái, ngụ ở việc cáo giới mà như vậy chăng? Sự đã xét nghe, lễ nên kính cáo. Mong [thần] chứng giám cho tấm lòng thành son đỏ này, [để] ban cho phúc lành.

Việc lạ đã thành việc tốt, tuyệt nhiên không chút khí tà; Điềm gở hóa điềm lành, ngày đó rõ ràng vẻ thụy. Ngôi báu thêm khang thọ, phúc lộc lại kiêm toàn. Giúp đỡ cháu con, nối dài hưng vượng, an lành cõi thọ. Danh ắt được: thiên hạ hưởng phúc thái bình; Nước nối dài một trường hữu đạo.

Thực nhờ sức Thánh thần phù trì vậy.

Cẩn cáo!


Đời Chính Hòa (1699, 1703)

Đêm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Mão, tức năm thứ 2010 niên hiệu Chính Hòa (1699), ngoài cửa lại thấy voi đất ngựa đất rống liền ba tiếng. Khi đó có quan nha môn bản huyện đang ở bản xã nghe thấy, bèn đem chuyện đó tâu lên, [bèn] sai Đề điệu, Giám thí quan, thừa lệnh quan Đề điệu giám quan của trường hương thí, kính tâu lên, bèn cho lễ tế, và ban cho mũ đai áo chầu và các đồ tế khí, lại ban thêm 30 quan cổ tiền đến tế.

Buổi sáng ngày 20 tháng 3 năm Quý Mùi, tức năm thứ 24 niên hiệu Chính Hòa (1703), lại thấy thánh tượng trong đền toát mồ hôi ướt hết áo. Khi đó, ba xã đều trình tâu lên quan Trấn thủ, được trấn quan sai người tra xét thấy đúng sự thực, bèn kính tâu lên trên. Chúa sai quan đích thân đến đền, phụng ban 10 quan cổ tiền, mua lễ đến tế.


Đời Vĩnh Thịnh (1711, 1713, 1715)

Giờ Mùi, ngày 17 tháng 7 năm Tân Mão, tức năm thứ 7 niên hiệu Vĩnh Thịnh(1711), lưng và mặt hai tòa thánh tượng đều toát mồ hôi. Nhân đó, ba xã đều bẩm lên quan hai ti thừa hiến, khám tra thấy việc có thực, bèn kính cẩn đem việc ấy tâu khải lên trên, [chúa] bèn ban lễ tế và 15 quan cổ tiền, sai quan đến tế.

Giờ Tị, ngày mùng 10 tháng 3 năm Quý Tị, tức năm thứ 9 niên hiệu Vĩnh Thịnh (1713), [tượng] sáu vị Vương và [tượng] hầu bên tả, [tượng] hầu bên hữu đều ra mồ hôi đẫm áo, bèn tâu việc ấy lên Trấn quan, với quan thừa hiến hai ti, xét thấy có việc ấy thực, bèn khải bẩm lên nhà chúa, [chúa] ban cho 16 quan cổ tiền và sai quan đến tế.

Đêm ngày mồng 6 tháng 4 năm Ất Mùi, tức năm thứ 11 niên hiệu Vĩnh Thịnh (1715) [đời vua Lê Dụ Tông], trong đền bỗng nhiên nghe thấy tiếng voi đất rống hai lần, bốn bên kinh động, ngày hôm ấy, quan nha môn trấn thủ đang ở chợ của bản xã, nghe thấy việc bèn ấy, bèn tâu lên, [trên bèn] cấp cho 16 quan 1 mạch cổ tiền, sai quan đến tế.


Đời Bảo Thái (1722, 1728)

Ngày 26 tháng 2, năm Nhâm Dần, tức năm thứ 3 niên hiệu Bảo Thái (1722) [đời vua Lê Dụ Tông], phụng lệnh đức Vương thượng đi kinh lý, đi qua bến sông bản đền, thấy thế nước dữ dội, bèn nảy ý khâm sùng, sai ban 100 quan cổ tiền, và một dật bạc mua đá để đắp đê đề phòng lũ lớn.

Năm Mậu Thân, tức năm thứ 9 niên hiệu Bảo Thái (1728) [đời vua Lê Dụ Tông], đức Vương thượng phụng ngự kinh lý, thuyền rồng đi qua bến sông bản đền, kính sùng miếu Thánh, đặc sai phụng quan, đích thân yết lễ. Khi ấy quan nội sai truyền báo cho ba xã, di chuyển cho voi ngựa hướng về nội điện (do từ trước voi ngựa đều hướng ra ngoài).


Đời Cảnh Hưng (1747, 1754)

Tháng 10 năm Đinh Mão tức năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Hưng (1747), phụng [theo lệnh] đức Vương thượng ngự giá thân chinh giặc Canh Ngọ11, lập đàn tế lễ [tại đền]. Sau khi giặc đã bình định xong, phụng tôn làm Lý Hi Khang Thiên Vương, ban thêm 100 quan cổ tiền, xây thêm nền đá để làm chắc địa mạch.

Phụ lục: hai đạo văn tế.


Văn tế Lý Thiên Vương khi khải hoàn (Trịnh Doanh, 1751)

Vào:

Ngày Nhâm Thìn vượt qua ngày sóc Ất Tị là 14 ngày12, tháng 11, năm Đinh Mão, tức năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Hưng (1747)13, Đại nguyên soái - Tổng quốc chính - Thượng sư - Minh vương - Trịnh Doanh (1720 - 1767), dâng các vật hy sinh14, rượu ngon, xôi, vàng bạc … đến tế trước hương án đức Lý Hi Khang Thiên Vương tại đền Thụy Hương, khấn rằng:

Nay, giặc tên Canh Ngọ, dối trời phạm thượng, bạo ngược một phương, lẽ chẳng dung tha, tội nên phán xét. Nhân sức giá đến, phạt tội thương dân. Lại có Việp Quận Công15 và Vực Trung Hầu16, chặt đứt chân tay chúng, mong thần chứng giám, một lòng giúp rập, ắt xuất tinh binh lực sĩ để ủng hộ quan quân. Ngầm chuyển oai thần, ra thanh thế lẫy lừng sấm chớp; Âm phù tướng sĩ, quét phong trần sạch bách Tây Bắc. Bắt bọn phản nghịch trở lại kinh sư; trói cùm giặc cỏ về dưới cửa khuyết. Kéo vũ trụ lại được thái hòa; đặt cơ đồ lâu dài mãi mãi.

Chiến thắng trở về, vẻ vang ban thưởng17.

Cẩn cáo!


Bắc Thái đồn cáo tế văn (Trịnh Doanh, 1751)

Phụng sai tiến thảo Hưng Hóa đạo Bắc Thái đồn cáo tế văn18

(Văn tế nhân dịp vâng lệnh tiến đánh đồn Bắc Thái đạo Hưng Hóa)

Trước linh vị rằng: việc ra quân ắt nên cầu đảo, ắt nên cáo lễ vậy.

Nay, nhân vì bọn cuồng phỉ đã phải chết tan, cùng binh còn lẩn lút mấy nơi hang ổ, buông lòng ngoan cố, quấy nhiễu nhiều nơi.

Đến các năm Nhâm – Quý19 đi ổn định biên cương, úy lạo họ Ngu, vừa đánh vừa thưởng.

Các năm Canh- Tân20, thần - người đều bực, tướng sĩ cùng thù, cờ xí phấp phới, khí giới đủ đầy.

Đến ngày xuất quân, voi trận qua chốn này, lòng thành cầu

đảo, mong thần cảm ứng giúp rập cho quân ta qua chốn hiểm trở, điềm lành điềm tốt đều bày. Oai quân hùng quân hổ lạc chốn hiểm nguy, thành lũy thảy đạp cho bằng, sớm dựng mấy quán kình nghê xác giặc. Công lao rửa giáp tẩy binh, dựng thế nước vững như bàn thạch. Biên giới vững vàng, thực nhờ sức thánh âm phù.

Cẩn cáo!

Năm Giáp Tuất, tức năm thứ 15 niên hiệu Cảnh Hưng (1754), phụng đức Vương Thượng ngự đến chùa Sài Sơn. [Khi] đi qua bến sông, trước miếu nhớ lại việc linh ứng ngày trước, nảy ý tưởng thưởng, bèn ban 100 quan cổ tiền, lại đắp thêm chân đê để biểu dương công đức của thần.


Đời Tây Sơn (1792, 1799)

Tháng 3 năm thứ 5 niên hiệu Quang Trung (1792), kính tâu lên quan bản đồn, Văn Phân Tri phụng đốc suất việc khơi đê ngoài xã Đại Cát, dẫn nước ra sông để tiện dùng đất. Cửa khẩu nước lúc thông lúc tắc, trải đã nhiều ngày, phí rất nhiều nhân công. Khi đó, Văn Phân Tri bèn đến bản đền, ngầm cầu đảo. Từ đó, cửa khẩu không bao giờ tắc nữa, nước thì nhất tề thông suốt. (Nguyên do là năm ấy có đại hồng thủy phá vỡ đê ở xã Đại Cát mất 100 trượng).

Ngày 22 tháng […] năm thứ 7 niên hiệu Cảnh Thịnh (1799), Áp kiểm nhân ở bản đồ, được thu giao một án, điều tra nhiều lần, mà tên tội phạm vẫn bặt vô âm tín. Bèn chuẩn bị lễ vật, đến bản đền, ngầm cầu. [Ngài] ứng mộng chỉ rõ đích danh. Quả y như mộng, ngầm tìm bắt được tội phạm ấy tên là Văn Non, miệng khai như mộng. Xong việc, lại kính cẩn biện lễ vật đến cáo tạ. Về sau, dâng tờ hạch tội nhân, giải nộp lên thượng quan, lại sai quan bản đồn đến tế.


Phụ lục

Tế tạ văn (1799)

Lễ được sử dụng, là để giữ lòng thành;

Thần hiển cơ mầu, chẳng thể đo lường.

Kính nghĩ:

Đêm thanh hiển lộ, quả thấy tội nhân.

Nay được, đệ ngũ thần, trước thì đến tạ.

Kính đem nước mát, dâng tỏ lòng thành.

Nay, Thượng quan ý đẹp đã thêm, muốn rõ cái đức “chính trực vô tư”.

Chỉ cầu: Thánh triết giáng lâm, mãi ban phúc lớn vô cùng. Cẩn cáo!


Đời Nguyễn (1823, 1937)

Ngày lành tháng 10 (mạnh đông) năm Quý Mùi, tức năm thứ 4 niên hiệu Minh Mệnh (1823) của Hoàng triều ta, cùng xã chép theo bản chính.

Năm Đinh Sửu21, năm thứ 12 niên hiệu Bảo Đại (1937), kính y theo bản ghi chép sự tích cũ tại bản đền, Cửu phẩm bá hộ, nguyên Lý trưởng Lê Duy Nghi kính chép, tổng cộng 9 tờ.


1. Xem phần dịch của Lĩnh Nam chích quái.

2. Phần này là sự tích Lý Thiên Vương được xuất từ sách Giao Châu ký, nhưng nội dung không khác so với Đại Việt sử ký toàn thư, nên không dịch lại ở đây.

3. Bài này đã được dẫn trong Lĩnh Nam chích quái, và được tách riêng thành một bài độc lập trong sách này (trang 44).

4. Thiệu Thành 邵 成: nguyên văn văn bản ghi là “Thiệu Bình 绍 平” (1434-

1439) đời vua Lê Thái Tông.

5. Ngoài trung đô có các trấn, đầu trấn có quan Trấn thủ chuyên trách quân sự, dưới có thừa ti và hiến ti phụ trách thuế mà và hành chính, giáo dục đàn hặc quan lại. (tra từ điẻn). Hiến sát sứ ti, Niết, Phiên.

6. Từ thừa: cụ từ.

7. Toàn thư ghi: “Tân Mùi, [Đức Long] năm thứ 3 [1631], … Mùa xuân, tháng giêng, tượng thần Lý Ông Trọng đền Thụy Hương đổ mồ hôi.” Như vậy, sự kiện này cần được bổ sung thêm.

8. Nguyên bản chép thành “vua Dụ Tông Hoàng Đế”.

9. Tây Vương: nguyên bản ghi nhầm là An Vương. Tây Vương là chúa Trịnh Tạc (1606- 1682). Theo “Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa năm thứ 15 (1694)”, Trịnh Tạc có tước hiệu là “Đại nguyên súy - Chưởng quốc chính - Thượng sư - Thái phụ - Đức Công - Nhân Uy - Minh Thánh - Tây Vương” [Nguyễn Nham soạn, Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Quý Đức nhuận sắc. 1717. Nguyễn Đình Hoàn viết chữ. Văn bia Văn Miếu. Hà Nội]. Nguyên văn trong bản “Phụng sai quan tế văn” ghi là “Đại nguyên súy - Chưởng quốc chính - Sư đại phụ - Đức Công - Nhân Thành - Minh Thánh - An Vương”. Nay dựa vào văn bia xin cải chính. Xem thêm phần phụ chú ở dưới về Trịnh Tạc.

10. Nguyên bản chép nhầm thành “thập nhị” (mười hai).

11. Giặc Canh Ngọ: trỏ Nguyễn Danh Phương 阮名芳 (?- 1750/ 1751) tức Quận Hẻo. Danh Phương đầu quân cho Đô Tế và thủ lĩnh Bồng Khởi ở Sơn Tây năm 1739. Sau khi Đô Tế và Bồng bị Tá Lý giết, bèn lui về đóng quân ở Tam Đảo, rồi giả vờ xin hàng Trịnh Doanh. Năm 1744, quân của Danh Phương có 10000 người, và mở rộng địa bàn đến tận vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa. Năm 1748, quận Hẻo cho dựng ba đồn Đại đồn, Trung Đồn và Ngoại đồn ở Ngọc Bội, Hương Canh và Ức Kỳ. Hệ thống đồn trải rộng ở các huyện Tam Đới, Lâm Thao, Đà Dương của trấn Sơn Tây và một số huyện thuộc trấn Thái Nguyên, Tuyên Quang, tự xưng là Thuận Thiên Khải Vận đại nhân. Thế quân Quận Hẻo lừng lẫy vào năm 1750 (nên gọi là Canh Ngọ), khiến Trịnh Doanh đích thân xuất quân, cử nhiều tướng giỏi đi cùng như Hoàng Ngũ Phúc, Đàm Xuân Thành, Lê Trọng Thứ, Đỗ Thế Giai, Đàm Xuân Vực, Nguyễn Nghiễm đóng quân ở bến Bồ Đề. Tháng 12 năm ấy phá được đồn Kỳ Úc. Sau hạ được đồn Hương Canh, Ngọc Bội. Nguyễn Danh Phương trốn đến Lập Thạch thì bị phục binh của Đàm Xuân Vực bắt sống. Trịnh Doanh giải Phương về, cùng lúc Phạm Đình Trọng bắt được Quận he Nguyễn Hữu Cầu. Sau cả hai cùng bị chém. [Xem Bình Tây thực lục, chuyển dẫn Đinh Khắc Thuân 2012: 34-51].

12. Tức ngày 14 tháng 11 âm lịch, năm 1747. Xem chú dưới.

13. Bình Tây thực lục ghi: “Ngày 25 [tháng 12, năm Canh Ngọ, tức cuối năm 1750 đầu năm 1751], xe Chúa khải hoàn, chiều đến xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm, Chúa ngự ở nhà Đỗ Thế Giai” [Xem Bình Tây thực lục, chuyển dẫn Đinh Khắc Thuân 2012: 50]. Có thể hai bài văn tế tại đền Chèm được làm trong chính dịp này. Như vậy, niên đại ở đầu bài tế và của cả mục này có sai dịch. Bởi nội dung của toàn bài văn tế là nói về việc tế thần tại đình Chèm trước và sau chiến thắng vào ngày

25 tháng 12 năm Canh Ngọ. Như ta biết, chiến dịch Canh Ngọ bắt đầu từ năm Kỷ Tỵ (1749) đến cuối năm Canh Ngọ (đầu năm 1751) thì khải hoàn.

14. Vật hy sinh: tức các loài động vật thường được dùng để tế lễ thần, như: trâu, dê, lợn.

15. Tức Hoàng Ngũ Phúc (1713- 1776) danh tướng thời Lê Trung Hưng, từng có công dẹp loạn, lập được nhiều chiến công lớn. Trong chiến dịch Canh Ngọ, ông làm Tả quân trong Tứ quân, được Chúa ủy quyền thao luyện tinh binh ở Bồ Đề, cùng Đàm Xuân Vực là hai người có công đầu trong việc dẹp loạn Danh Phương, được ban thưởng 3 kim bài. [Bình Tây thực lục, chuyển dẫn Đinh Khắc Thuân 2012: 39-49- 50].

16. Vực Trung hầu: tức Đàm Xuân Vực, còn gọi là Vực Quận Công, người làng Tương Trúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Sử ghi: “Nguyễn Danh Phương dùng lễ vật rất hậu rồi mật sai người đến đút lót cho vợ của chúa Trịnh là Trịnh Thị (quê ở

làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương) và hoạn quan là Đàm Xuân Vực. (Đàm) Xuân Vực giúp (Nguyễn Danh Phương) dâng tờ biểu xin hàng. Trịnh Doanh đã y cho, nhưng khi xuống lệnh triệu vào thì (Nguyễn Danh Phương) không chịu vào nhận mệnh”. [Khâm định Việt sử thông giám cương mục - Chính biên, quyển 41, tờ 3]. Sau Đàm Xuân Vực lãnh Hữu quân trong Tứ quân của Trịnh Doanh trong chiến dịch Canh Ngọ, có công bắt sống Quận He, được sai làm Tam đạo kiêm Thống lĩnh cùng Nguyễn Nghiễm làm Tán lý, Phan Cảnh làm Tham mưu để úy lạo nhân dân sau loạn Danh Phương, được nhà chúa ban thưởng 3 chiếc kim bài. [Bình Tây thực lục, chuyển dẫn Đinh Khắc Thuân 2012: 39-49- 50].

17. Bình Tây thực lục ghi: “Ngày 22 [tháng 12 năm Canh Ngọ], khao thưởng chư thần văn võ, cùng chư quân nội ngoại, định công bình Tây. Ban thưởng cho Hoàng Ngũ Phúc, Đàm Xuân Vực mỗi vị 3 chiếc kim bài (thẻ vàng), Đỗ Thế Giai 1 chiếc kim bài, quan Tứ quân Bùi Thế Đạt, Nguyễn Phan, Nguyễn Viết Tải, Nguyễn Trọng Thân mỗi vị cũng một chiếc kim bài... Tán lý Nguyễn Nghiễm, Tham mưu Phan Kính, Hiệp đồng Đoàn Thụ cùng Liệt hiệu Nguyễn Đức Hoằng mỗi người một chiếc bài bạc” [Bình Tây thực lục, chuyển dẫn Đinh Khắc Thuân 2012: 49- 50].

18. Nguyên tên đầy đủ của bài này.

19. Các năm Nhâm- Quý: tức năm Nhâm Tuất (1742) và Quý Hợi (1743) đời vua Lê Hiển Tông. Sự kiện này không thấy chép trong Lịch triều tạp kỷ, Bình Tây thực lục.

20. Các năm Canh- Tân: tức năm Canh Ngọ (1750) và năm Tân Mùi (1751) đời Lê Hiển Tông, trỏ cuộc dẹp loạn Danh Phương. Xem chú trên.

21. Đinh Sửu: nguyên bản chép nhầm là Ất Sửu.