Văn hoá phi vật thể


Lễ hội truyền thống Đình Chèm - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

1. Phần lễ

Đình Chèm thờ Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng, tại đây diễn ra các nghi thức tế, lễ vào các ngày sóc (đầu tháng), ngày vọng (giữa tháng). Ngày 10 tháng Giêng giỗ Đức thánh Lý Ông Trọng, ngày 02 tháng Hai giỗ Đức bà Bạch Tịnh Cung. Đây cũng chính là nơi tổ chức lễ hội truyền thống còn gọi là Pháp hội diễn ra từ ngày 14, 15, 16 tháng Năm âm lịch hàng năm.

Ngày 13/6/2016, lễ hội truyền thống đình Chèm đã được Nhà nước chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đình Chèm ra đời theo dòng chảy của lễ hội cổ truyền Việt Nam, chưa có sách nào ghi lại và cũng không ai biết lễ hội đình Chèm có từ bao giờ nhưng từ lâu câu ca dao:

Thứ nhất là hội Cổ Loa,

Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm


Đã in đậm trong tâm tư, tình cảm của người dân Hà Nội nói chung và nhân dân 3 làng Chèm –Hoàng Xá- Hoàng Liên nói riêng. Theo truyền thuyết tại địa phương, lễ hội truyền thống đình Chèm để kỷ niệm ngày rước sắc phong, mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của đức thánh Chèm -Lý Ông Trọng đã hy sinh vì nghĩa lớn để bảo vệ đất nước. nhưng sâu xa hơn có lễ nó bắt nguồn từ nghi lế cầu mưa thuận, gió hòa cho một vụ mùa bội thu của cư dân nông nghiệp đồng sông Hồng từ thủa xa xưa.

Lễ hội truyền thống đình Chèm là lễ hội lớn trong vùng với sự tham gia của nhiều địa phương như Thụy Phương, Liên Mạc, Đa Lộc, La Tinh nhưng chủ yếu là nhân dân ba làng Chèm-Hoàng Xá-Hoàng Liên theo truyền thuyết tại địa phương thì ba làng kết nghĩa anh em cùng thờ đức thánh Chèm- Lý Ông Trọng.

Ngày 12 tháng Năm âm lịch diễn ra Lễ phục triều y: Ban khánh tiết đình Chèm thực hiện nghi thức thay áo triều phục cho đức thánh Lý Ông Trọng và đức Hoàng phi Bạch Tịnh Cung. Đến chiều ngày 13 tháng Năm âm lịch, các khâu chuẩn bị được hoàn tất, toàn bộ khu vực đình Chèm như được tôn lên màu sắc mới: Trong đình đèn nến lung linh, hương thơm lan tỏa, theo trục thần đạo từ tòa phương đình tới nghi môn ngoại sát bờ sông Hồng được trang trí cờ ngũ phương, trên 03 cột lớn treo cờ Tổ quốc, cờ đại có 04 chữ “ Thượng Đẳng Thiên Vương” và một dải phướn nhà Phật. Dọc trục đường chính từ đình Chèm tới Bến Ngự dài khoảng 500 mét và từ đình Chèm tới chùa Chèm dài khoảng 1000 mét được trang trí cờ ngũ phương, các gia đình đều treo cờ Tổ quốc làm tăng thêm không khí vui tươi phấn khởi của nhân dân chuẩn bị chào đón sự kiện trọng đại của quê hương.


1.1. Khai mạc lễ hội:

Sáng ngày 14 tháng Năm âm lịch, lễ hội truyền thống đình Chèm chính thức được khai mạc theo nghi lễ nhà nước.


1.2. Lễ rước nước (nghênh thủy)

Nghi lễ rước nước được tiến hành sau khi dứt tiếng trống khai hội nghi lễ này được diễn ra vào 3 buổi sáng (từ sáng 14, 15 và 16 tháng 5 âm lịch).

Với ý nghĩa:

+ Ngày thứ nhất lấy nước về để thờ cúng hàng ngày.

+ Ngày thứ hai lấy nước về để mộc dục

(tắm tượng Đức Thánh và quan Sứ).

+ Ngày thứ ba lấy nước để cầu mong cho mưa thuận gió hòa cuộc sống ấm no sung túc.


Đoàn rước đi từ Đình xuống bến Ngự cách đình gần 1km. Người tham gia quần áo đủ sắc màu, cờ xí rợp trời chiêng trống vang dội dọc đường.

Đội hình lấy nước dưới sông gồm 45 người, xuống 3 thuyền lớn, thuyền rời bến quay một vòng trước cửa Đình Chèm rồi từ từ ngược dòng sông Hồng đi lên vị trí làng anh Hai Hoàng Xá (dân anh Hai) thuyền quay 1 vòng và tiếp tục ngược dòng lên vị trí của anh ba Hoàng Liên (dân anh Ba) nơi trên bờ sông dân anh Ba có bày hương án, cắm cờ làm mốc thuyền quay một vòng trước khi xuôi dòng quay 1 vòng, lúc này thầy phủ giá thả chiếc vòng càn khôn có quấn vải đỏ xuống dưới dòng sông (giữa dòng) nghi lễ lấy nước được tiến hành trong tiếng reo ù… óe ( uy vũ), chiêng trống hòa âm, cụ tế chủ thực hiện lấy gáo đồng thứ nhất múc nước thứ tự vào 3 chóe, mỗi chóe múc 9 gáo. Sau đó thuyền từ từ xuôi dòng xuống địa phận của anh hai Hoàng Xá, cụ tế chủ lấy gáo đồng thứ 2 thực hiện múc nước ở giữa vòng càn khôn múc 9 gáo vào 3 chóe, lấy xong thuyền xuôi xuống trước cửa Đình Chèm quay 3 vòng để cụ tế chủ lấy gáo đồng thứ 3, từ từ múc nước ở giữa sông trong vòng càn khôn cũng thứ tự múc vào 3 chóe, mỗi chóe 9 gáo nước, các thầy phủ giá vẫn thông reo ù… óe hòa cùng tiếng chiêng, trống âm vang gợn sóng sông Hồng cùng tôn thêm vẻ uy nghiêm của nghi lễ lấy nước trên sông.


1.3.Nghi lễ cúng phát tấu, cúng phan:

Nghi lễ cúng phát tấu được thực hiện vào 14h chiều ngày 14/5. Theo ngọc phả tại đình Chèm thì đức Thánh Chèm- Lý Ông Trọng là:

+ Ngài là nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt được cử đi sứ sang nhà Tần thời An Dương Vương.

+ Ngài là người Việt Nam đầu tiên, đỗ hiếu liêm (tiến sỹ) được nước Tần phong tặng.

+ Ngài là lưỡng quốc tướng quân đầu tiên của hai nước Việt – Tần.

+ Ngài là người tri ân các tướng sỹ tử trận đầu tiên để cầu siêu cho các linh hồn quân sĩ được siêu thoát.

Bởi vậy trước nghi môn ngoại của Đình Chèm có dựng 03 cột cờ (cột cờ Tổ quốc, cột cờ nhà Thánh, có ghi 04 chữ (Thượng Đẳng Thiên Vương) và cột cờ nhà phật có hình con quạ ngậm dải phướn lụa vàng của nhà phật để thể hiện lòng trung thực với nhà phật vì thế lễ hội Đình Chèm có nghi lễ cúng phát tấu của nhà phật là (cúng phật, cúng phan, cầu siêu các vong linh tử trận và cúng thánh). Khi thực hiện các nghi lễ này pháp sư mặc áo cà sa đỏ, đội mũ nhà phật, tay cầm tích trượng đọc kinh phật và dâng sớ lòng văn có ghi đủ 127 mỹ tự của Đức Thánh được các triều vua phong tặng vì ngài có công hiển linh giúp dân, giúp nước.

Ngày 15/5 chính ngọ trong lúc tắm cho Đức Thánh thì pháp sư đứng trên nghi môn nội, tay bắt quyết đọc kinh phả độ để xua đuổi tà ma không quấy nhiễu lúc Đức Thánh đang tắm (mộc dục). Khi thực hiện xong lễ mộc dục, thì pháp sư đọc kinh quá độ đến 14h00 thì thực hiện nghi lễ cúng phan (cúng cầu siêu) nơi có treo cờ nhà phật.


1.4. Lễ rước văn:

Về với không khí ngày hội Chèm không thể không nói đến nghi lễ cổ truyền đó là nghi lễ rước văn (văn tế) được diễn ra vào 15h30 chiều 2 ngày 14/5 ( để tế nhập tịch) và 16/5 ( để tế hậu hội), cuộc rước được cử hành long trọng như đi rước nước uy nghi, những người tham gia rước quần áo đủ sắc màu của lễ hội, mang theo đồ tế khí thứ tự gần 425 người đi từ Đình Chèm vào chùa Chèm (Hàm Long Tự) văn tế được đặt trên kiệu (gọi là Long Đình). Ngày xưa đoàn rước văn vào nhà cụ tiên chỉ của làng người có chức sắc. Ngày nay văn thờ tại chùa Chèm (Hàm Long Tự) đoàn rước đi từ đình vào chùa rước văn về Đình, hai bên đường làng từ Đình vào chùa đi qua ao đình, dọc hai bên đều cắm cờ hội và các ống hương dọc đường rước thành các cọc tiêu, tạo nên không khí trang nghiêm, đoàn rước văn đi đầu là đội múa rồng, tiếp theo thứ tự là cờ xí, trống kiệu long đình, lư hương. Dàn nhạc đồng văn, bát âm cùng đội ngũ đại thủ hiệu và phù giá. Cứ khoảng 10m phù giá lại tung hô ù… óe… âm vang dọc đường làm cho không khí càng uy linh.

Nghi lễ rước văn từ chùa về đình, một lần nữa khẳng định rõ hơn sự giao thoa giữa nghi lễ đạo phật với thánh hiền trong lễ hội Đình Chèm.


1.5.Tế nhập tịch:

Nghi lễ tế nhập tịch được thực hiện vào 17h00 chiều hôm 14/5 âm lịch đội hình tế của ba dân gồm hai hàng quan viên đứng hàng chầu 2 bên, tiếp đó là đội tổng cờ, gươm hầu, đội múa sinh tiền, bên hữu có hai bà phủ giá đứng trên sập cao hàng chầu, các thầy phủ giá đứng chầu hai bên, bên Tả dàn bát âm, bên Hữu dàn đồng văn cùng tấu nhạc hòa âm khi tế chủ thực hành nghi lễ. Dưới tiếng nhạc lưu thủy thượng đan xen tiếng lách cách đều đặn của đội múa sinh tiền làm cho nghi lễ trở nên uy nghiêm, linh thiêng.


1.6.Tế pháp hội :

Ngày 15/5 nghi lễ tế pháp hội được diễn ra tương tự như lễ tế nhập tịch chỉ khác lòng văn tế pháp hội riêng.


1.7.Lễ mộc dục - Phóng điểu:

Về với Hội Chèm, dưới ánh nắng chói chang của mùa hạ, mặc dù vậy mọi người vẫn nghiêm trang đứng thực hiện nghi lễ linh thiêng nhất lễ mộc dục (tắm tượng) đức thánh vào chính ngọ 12h00 trưa hôm rằm (15/5 âm lịch).

Sau khi rước bài vị của Đức Thánh Lý Ông Trọng và Đức Thánh Bà Bạch Tịnh Cung tọa lầu. Một hồi chuông vang lên, bên lầu Đức Ông, có cụ tế chủ và 2 thầy phủ giá liền anh vào thực hiện, bên lầu Đức Thánh bà có 2 bà phù giá nữ. Vào thực hiện nghi lễ, trình tự ngự dội (thượng đỉnh tam chĩnh, tả thủ nhất chĩnh, hữu thủ nhất chĩnh, tiền thân nhất chĩnh, hậu bối nhất chĩnh). Tế chủ dùng chiếc gáo nhỏ bằng đồng (to bằng chén uống nước). Lần lượt dội nước theo thứ tự (đầu 3 gáo, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau một gáo) với 7 gáo nước theo thứ tự làm 2 lần dội nước lạnh, một lần dội nước thơm. Sau đó dùng khăn mặt sạch lau khô mặc quần áo và sức nước hoa thơm, các cụ dùng 7 gáo nước biểu hiện cho 7 vì sao tinh tú nhất.

Trong lúc thực hiện nghi lễ mộc dục cho đức Thánh, thì trên thềm nghi môn nội, thầy pháp sư mặc áo cà sa, một tay bắt quyết, một tay cầm tích trượng đọc kinh phả độ để xua đuổi tà ma khi đức Thánh đang tắm.

Cùng lúc đó bên ngoài nghi môn ngoại khi tiếng chuông vang lên thì lúc này nghi lễ phóng điểu cũng được tiến hành. Đây là thời khắc linh thiêng nhất vì cùng một thời gian chính ngọ, thực hiện một lúc 3 nghi lễ (mộc dục Đức Thánh, đọc kinh quá độ và lễ phóng điểu) thật là “Thơm thay, thơm thay vái trông gió thổi ấy Ngài đang giáng lâm, ân đức càng thâm sâu, càng rạng rỡ” (thơ của Hương cống Lý Trần Tân).


Nghi lễ phóng điểu của Hội Chèm:

Được thực hiện cùng một lúc với lễ mộc dục (tắm tượng) đã nêu bật được 3 ý nghĩa lớn đó là:

• Ý báo tin thắng trận mở hội khao quân.

• Mời đức Thánh Gióng và Thánh Tản về dự hội Chèm (nên Hội Chèm trước và sau ngày 14, 15/5 cũng có một trận mưa).

• Cầu mong cho quốc thái dân an, được thể hiện rõ trong nghi lễ phóng điểu trước cửa Đình.


Nghi lễ mộc dục kết thúc, mọi người rước Đức Thánh vào ngự tại ban công đồng để nghe hát văn thờ cho đến 14h chiều, làm lễ rước Ngài hoàn cung.

Đến 15h30’ thực hiện tiếng nghi lễ mộc dục quan Sứ, đoàn rước vào làm lễ rước quan sứ tạo lầu ngoài sân nghi môn nội để thực hiện lễ mộc dục, trình tự ngự dội như lúc tắm cho đức thánh, cũng dùng gáo đồng loại nhỡ dội 7 gáo thực hiện 2 lần nước lạnh, 1 lần nước thơm, sau lấy khăn mặt sạch lau khô, mặc quần áo và sức nước hoa thơm.

Khi thực hành nghi lễ mộc dục xen lẫn tiếng chiêng trống tiếng hô ù… óe và dàn nhạc bát âm, đồng văn vang lên làm cho nghi lễ càng thêm uy linh trong lễ hội Đình Chèm.


1.8.Cúng khai quang:

Đến 17h00 chiều thì thực hiện nghi lễ cúng khai quang, pháp sư cùng các sư tăng và 2 cháu tiên đồng, ngọc nữ bê nến tháp tùng đi cúng 9 ban thờ, khi thực hiện nghi lễ này thì đèn điện trong Đình phải tắt. Chỉ còn đèn thờ, khi pháp sư cúng đến đâu thì đèn điện sáng ở ban đó cho đến khi hoàn tất thì đèn bừng sáng đó là cúng khai quang (khai sáng cho muôn loài).

Việc thực hiện các nghi lễ của phật giáo đan xen trong các nghi lễ cổ của lễ hội Đình Chèm thể hiện sự giao thoa giữa phật giáo và thánh hiền mà không có lễ hội nào có được. Bởi vậy lễ hội Đình Chèm là pháp hội đồ lễ cúng thánh làm chay gồm các vật phẩm chè kho, oản quả, không có đồ mặn.


1.9. Tế hậu hội:

Ngày 16/5 lễ tế hậu hội được cử hành sau khi rước văn từ Chùa về Đình, thứ tự đội hình như lúc tế nhập tịch chỉ khác lòng văn tế. Đây là nghi lễ cuối cùng trong 03 ngày lễ chính thức của lễ hội truyền thống đình Chèm.


2. Phần hội:

2.1. Hội thi nấu chè kho

Hội Chèm được thực hiện theo tập quán của làng từ xưa về phần hội có hội thi nấu chè kho, ba dân chuẩn bị cho ngày hội thi nấu chè cử 9 đội, mỗi đội cử 6 người tham gia, thành lập Ban giám khảo Hội thi gồm 5 người, chấm điểm thi xem đội nào đạt giải, vật phẩm được dâng lên lễ thánh.

Chè kho được nấu bằng đỗ xanh, đường kính có cho ít dầu chuối thơm, dùng mỡ lợn để tôi nồi. Với khoảng thời gian là 50-60 phút Ban giám khảo chấm 3 công đoạn nấu, sát đỗ, đánh chè. Độ đậm nhạt, dẻo và đóng thành phẩm…. để đánh giá cho điểm các đội đạt giải. Sản phẩm chè kho được dâng lên lễ thánh xong mang về biếu lộc các cụ tuổi từ 80 trở lên, đội nào mang sản phẩm của mình về đội đó để biếu lộc, việc làm trên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì sau khi các bậc cao niên nếm chè sẽ đóng góp cho con cháu thêm về chất lượng và kỹ thuật nấu chè kho.


2.2. Hội thi bơi

Hội thi bơi là môn thể thao gắn liền với cư dân miền sông nước rèn luyện sức khỏe và bản lĩnh trí tuệ với sự tham gia của nam thanh niên làng Chèm, Hoàng Xá, Hoàng Liên, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài địa bàn. Hội thi được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, khuyến khích phong trào học bơi trong nhân dân, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh,


2.3. Hội thi đấu cờ người

Sân chơi trí tuệ, để luyện tinh thần kiên định, mưu lược, tinh thần đoàn kết, rèn trí tuệ cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp tham dự. Đây là môn thể thao giải trí rất sinh động và hấp dẫn, thể hiện sự tinh tế, có tác dụng nuôi dưỡng những giá trị tinh thần dân tộc.


2.4. Hội thi tổ tôm điếm

Tiếng ca nương vang lên đan xen tiếng trống báo ăn bài của người chơi ngồi trong 5 chòi bàn có ghi chữ (phúc, lộc, thọ, khang, ninh) đây cũng là nét văn hóa cổ xưa được thể hiện trong lễ hội Đình Chèm, đan xen các trò chơi dân gian làm cho lễ hội thêm phong phú.


2.5. Giao lưu văn nghệ:

Gồm có biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuận chuyên nghiệp, giao lưu văn nghệ giữa các câu lạc bộ của địa phương, giao lưu văn nghệ giữa nhân dân ba làng Chèm, Hoàng Xá, Hoàng Liên thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ diễn ra tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày diễn ra lễ hội, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nét văn hoá đặc sắc của miền quê ngàn năm văn hiến, giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá, hình ảnh tốt đẹp của quê hương tới nhân dân và du khách thập phương.


Bên cạnh đó còn có các hoạt động khác như thi kéo co, thi nhảy bao bố, bóng chuyền hơi, bắt vịt… thu hút đông đảo nhân dân tham gia, bên cạnh việc rèn luyện sức khoẻ, giáo dục nhân cách và ý thức cộng đồng, phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ còn góp phần xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Sau những ngày vui tươi, sôi nổi, hào hứng lễ hội đình Chèm kết thúc để lại trong lòng nhân dân và du khách những tình cảm tốt đẹp về miền quê nghìn năm văn hiến.

Ngày 17 tháng Năm âm lịch, Lễ giải y ( thay áo triều phục cho đức ông và đức bà) do các cụ trong Ban khánh tiết đình Chèm thực hiện chính thức kết thúc lễ hội truyền thống đình Chèm.