Giới thiệu:
Bài thơ Họa Đại Minh sứ đề Nhị Hà dịch của Phạm Sư Mạnh(1) 范師孟 (?- ?) đỗ Thái học sinh đời Trần Minh Tông (1314- 1329) là một trong những bài thơ sớm nhất có đề cập đến đền Ông Trọng. Bài thơ là bài thứ ba trong số ba bài mà Phạm Sư Mạnh viết trong mùa xuân năm Đại trị thứ 2 (1359) nhân dịp sứ nhà Minh sang nước ta thông hiếu, có đề thơ tại trạm dịch sông Nhị Hà (theo Toàn thư). Bài thơ miêu tả cảnh sắc tươi đẹp với núi Tản, sông Nhị Hà, thành cổ Văn Lang, và đền Ông Trọng. Bài thơ đã từng được giới thiệu trong Thơ văn Lý Trần (tập 3: 122). Nay xin tuyển và dịch lại.
Phiên âm:
Họa Đại Minh sứ “Đề Nhị Hà dịch”
Tân triều sứ giả lạc thung dung,
Giang thượng xuân phong thí ỷ cùng.
Ngọc Nhị hàn quang xâm quảng dã,
Tản Viên tễ sắc chiếu Thăng Long.
Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp,
Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng.
Tuý mặc lâm ly đề dịch bích,
Thanh triêu nhân vật thịnh tam ung.
Dịch nghĩa:
Họa lại bài “Đề Nhị Hà dịch” của sứ giả Đại Minh
Sứ giả của triều đại mới vui vẻ, thung dung,
Gió xuân trên sông, tạm nương chiếc gậy trúc.
Sông Ngọc Nhị sắc lạnh bừng soi cánh đồng,
Núi Tản Viên màu xanh chiếu đến Thăng Long.
Thành cổ Văn Lang, núi non trùng điệp,
Đền xưa Ông Trọng, mây đượm nồng.
Thi tửu dạt dào, viết lên vách trạm dịch này,
Triều đại tốt lành, muôn người đều hòa thuận(2)
Dịch thơ:
Tân triều sứ giả bước ung dung,
Nhẹ nương gậy trúc hóng xuân phong.
Nhị Hà sóng ngọc tuôn bờ bãi,
Núi Tản màu xanh chiếu Thăng Long.
Văn Lang thành cũ non trùng điệp,
Ông Trọng đền xưa mây đượm nồng.
Thi tửu dạt dào, đề vách trạm,
Dân đời thịnh trị thảy vui lòng.
1. Phạm Sư Mạnh 范師孟 (?- ?) danh sĩ đời Trần, người Kinh Môn, Hải Dương. Ông làm quan trải ba triều vua là Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông, giữ các chức Chưởng bạ thư kiêm khu mật tham chính (1346). Nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự (1358), Hành khiển tả tư lang trung (1359), Tri khu mật viện sự (1362). Tác phẩm có Hiệp Thạch tập (đã mất). Hiện chỉ còn 33 bài thơ và một bài văn bia.
2. Hòa thuận: dịch chữ tam ung, thời Hán gọi gộp của bích ung (nhà dạy học), minh đường (triều đường, nơi tiếp tân khách, sứ bộ các nước) và linh đài. Nhan Sư Cổ chú rằng: “tam ung, ý nói đất- trời, vua- tôi, và nhân dân đều cùng hòa thuận với nhau.”