Giới thiệu:
Bài Hành Dương dữ Mộng Đắc phân lộ tặng biệt do nhà thơ nổi tiếng đời Đường Liễu Tông Nguyên(1) (773- 819) sáng tác. Bài thơ này được viết vào quãng cuối đời, khi ông bị giáng chức đi đầy lần thứ hai vào năm 815. Trong đó có đề cập đến “nền cũ Ông Trọng” với “đường xưa Phục Ba”, hai tín hiệu gợi nhớ đến vùng Lĩnh Ngoại thời cổ. Tác giả bài thơ trong khi miêu tả cảnh sắc cũng lồng vào tứ thơ những cảm hứng lịch sử và sự đổi thay của thời thế. Điều đó đã tạo nên ý vị hoài cổ và khái cảm lịch sử trong bài thơ này. Nay xin giới thiệu.
Phiên âm:
Thập niên tiều tuỵ đáo Tần kinh,
Thuỳ liệu phiên vi Lĩnh Ngoại hành.
Phục Ba cổ đạo phong yên tại,
Ông Trọng di khư thảo thụ bình.
Trực dĩ dung sơ chiêu vật nghị,
Hựu tương văn tự chiếm thì danh.
Kim triêu bất dụng lâm hà biệt,
Thuỳ lệ thiên hàng tiện trạc anh.
Dịch nghĩa:
Sau mười năm tiều tuỵ, vừa mới về đến Tần kinh(4),
Ai ngờ lại bị biếm ngay ra vùng Lĩnh (5).
Ðường cổ Phục Ba6, gió sương vẫn còn,
Nền cũ Ông Trọng cỏ cây bằng phẳng.
Chỉ vì vụng về nên chuốc lấy những lời dị nghị,
Thôi đừng cậy chữ nghĩa chiếm danh tiếng nhất thời.
Sáng nay chẳng cần đến bến sông từ biệt nhau,
Ngàn hàng nước mắt rơi như gột dải mũ.
Dịch thơ:
Mười năm đày khỏi Tần kinh,
Ngờ đâu Lĩnh Ngoại chúng mình cùng nhau.
Phục Ba sương gió dãi dầu,
Nền xưa Ông Trọng xanh màu cỏ xưa.
Lơ ngơ nên chịu thói ngờ,
Văn thì dang dở, danh giờ hư không.
Chia tay dẫu chẳng bên sông,
Muôn ngàn giọt lệ ướt ròng áo khăn.
(Trần Trọng Dương dịch)
1. Liễu Tông Nguyên 柳宗元 (773- 819) là nhà triết học, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đời Đường, người đất Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Tên tự là Tử Hậu, hay Hà Đông tiên sinh. Ông và Lưu Vũ Tích cùng đỗ Tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793). Năm 803, được triệu về kinh, cùng Hàn Dũ, Lưu Vũ Tích giữ chức Giám sát Ngự sử. Năm 805, cùng nhiều danh sĩ khác ủng hộ chủ trương cải cách triều đình. Cải cách thất bại, năm 806, ông bị giáng chức đày làm Vĩnh Châu Tư mã. Năm 815, ông được triệu về kinh, chưa được 3 tháng lại bị giáng làm Liễu Châu Thứ sử. Ông cùng Hàn Dũ khởi xướng phong trào vận động cổ văn, được người đời liệt vào hàng “Đường Tống bát đại gia”, kiêm xưng là “Hàn- Liễu”. Tác phẩm có “Hà Đông tiên sinh tập”.
2. Mộng Ðắc là tên tự của nhà thơ Lưu Vũ Tích - một người bạn thân của Liễu Tông Nguyên. Năm 805, đang làm quan tại triều, tác giả bị biếm đi xa. Mười năm sau được gọi về kinh, rồi lại bị biếm đi xa hơn, tác giả đi Liễu Châu (Quảng Tây) còn Mộng Đắc đi Liên Châu (Tứ Xuyên). Hai ông cùng đi ngựa tới Hành Dương thì chia tay mỗi người một ngả.
3. Hành Dương: địa danh ở phía Nam của Hành Sơn.
4. Tần kinh: nhà Tần đóng đô ở Hàm Dương, về sau thường dùng chữ này để chỉ kinh đô nói chung. Ở đây trỏ kinh đô Trường An của nhà Đường.
5. Lĩnh ngoại: khu vực từ dãy núi Ngũ Lĩnh trải về phương Nam. Sách Hậu Hán
thư ghi: “Cửu Chân Thái thú Chúc Lương, Giao Chỉ Thứ sử Trương Kiều ủy lạo dụ hàng đám phản loạn ở Nhật Nam, đều hàng phục được, [khi ấy] Lĩnh Ngoại mới được bình trị.” (九真太守祝良、交阯刺史張喬 慰誘 日南叛蠻 ,降之,嶺 外平).
6. Phục Ba: tên hiệu của Mã Viện, tướng đời Đông Hán. Do Mã Viện từng được thụ phong là Phục Ba tướng quân.