Văn hoá phi vật thể


Độ An Hải nhập Long Biên

Giới thiệu:

Bài thơ Độ An Hải nhập Long Biên của Thẩm Thuyên Kỳ (656 - 714) là một trong những bài thơ rất sớm hiện biết có đề cập đến Ông Trọng. Thẩm Thuyên Kỳ là một trong những nhà thơ, nhà thư pháp nổi tiếng thời Đường. Ông từng bị đầy đến Hoan Châu (Nghệ An) làm quan. Trong thời gian này, ông đã sáng tác một số bài thơ về cảnh sắc, và văn hóa nơi đây. Trong đó bài thơ Độ An Hải nhập Long Biên có thể là bài thơ được sáng tác ngay khi tác giả vừa đặt trên lên mảnh đất Giao Chỉ xa xôi. Nay xin giới thiệu ở đây để tham khảo.


Phiên âm:

Ðộ An Hải nhập Long Biên

Thẩm Thuyên Kỳ

Thường văn Giao Chỉ quận,

Nam dữ Quán Hung liên.

Tứ khí phân hàn thiểu,

Tam quang trí nhật thiên.

Úy Ðà tằng ngự quốc,

Ông Trọng cửu du tuyền.

Ấp ốc liên mang tại,

Ngư diêm cựu sản truyền.

Việt nhân dao phủng địch,

Hán tướng hạ khan diên.

Bắc Ðẩu sùng sơn quải,

Nam phong trướng hải khiên.

Biệt ly tần phá nguyệt,

Dung mấn sậu kinh niên.

Côn đệ thôi do mệnh,

Thê noa cát phó duyên.

Mộng lai hồn thượng nhiễu,

Sầu ủy bệnh không triền.

Hư đạo băng thành lệ,

Minh tâm bất ứng thiên.


Dịch nghĩa:

Vượt qua biển An Hải vào đến Long Biên

Từng nghe có quận Giao Chỉ,

Ở phía Nam gần với biển(1).

Khí hậu chia bốn mùa, mùa lạnh rất ngắn,

Các tinh tú sát gần mặt trời.

Triệu Úy Đà đã từng cai trị nước này,

Ông Trọng mãi rong chơi nơi suối khe.

Làng xóm nối liền, nhân dân sinh sống,

Cá và muối là cơ nghiệp truyền đời.

Người Việt từ xưa mang chim trĩ đến cống,

Tướng nhà Hán xuống xem diều.

Sao Bắc Đẩu treo trên núi cao,

Gió Nồm Nam dềnh trên mặt biển.

Lúc biệt ly nhiều lần buồn vỡ ánh trăng,

Khuôn mặt, tóc tai mau biến đổi theo năm tháng.

Anh em xa cách, ấy là do mệnh,

Vợ con dứt lìa, phó thác cho chữ “duyên”.

Mộng về, hồn còn vảng vất mãi,

Buồn đến, bệnh cứ đeo đẳng hoài.

Đạo hỏng, sụp tan thành nước mắt,

Tấm lòng trong sáng chẳng thấu đến trời!


Dịch thơ:

Ta từng nghe có quận Giao Chỉ,

Nơi biển xa mãi mé cực Nam.

Bốn mùa rất ít đông hàn,

Bao nhiêu tinh tú chứa chan nắng trời.

Đất là nơi Úy Đà trị nước,

Ông Trọng xưa mãi bước sơn khê.

Dân cư trù phú sát kề,

Truyền đời cá muối là nghề cha ông.

Việt Thường xưa từng dâng chim trĩ,

Hán tướng nào ngắm vẻ diều bay,

Núi cao Bắc Đẩu treo bầy,

Gió Nồm Nam cứ thổi đầy biển Đông.

Lúc ly biệt buồn trông trăng vỡ,

Dáng tàn phai dang dở tháng năm.

Anh em hút chốn xa xăm,

Vợ con biền biệt bởi lầm chữ duyên.

Hồn vảng vất còn bên cõi mộng,

Bệnh tật cùng đeo đẳng nỗi đau.

Đạo tan nước mắt đượm mầu,

Tấm lòng trong sáng thấu đâu đến trời!

(Trần Trọng Dương dịch)


1. Nguyên văn: dịch chữ Quán Hung, tên của một nước ven biển thời cổ trong huyền thoại, tục nước này hay khuyên ngực nên gọi vậy. Sau trỏ các nước duyên hải nói chung.