Văn hoá phi vật thể


Đại Việt sử ký toàn thư

Giới thiệu:

Truyện Lý Ông Trọng được chép trong bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư, được biên soạn trong khoảng 400 năm từ đời Trần đến đời Lê, và được biên soạn lần cuối và cho khắc in bởi nhóm Lê Hy vào cuối thể kỷ 17 [Fedorin 2011: 48- 52]. Đây là bộ sử chính thống, quan phương đầu tiên có ghi nhận về tín ngưỡng thờ đức Thánh Chèm. Nguyên bản lấy theo Đại Việt sử ký toàn thư do Nội các quan bản định bản năm Chính Hòa thứ mười tám (1697), tiếp thu từ bản dịch năm 1998 do Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính. (Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội).

Các sách Nam Việt địa dư chí, Nam sử lược biên, Hoàng Việt địa dư chí, Thăng Long cổ tích khảo, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Hà Nội địa dư, Hà Nội sơn xuyên phong vực, có chép lại/ hoặc tóm tắt lại Toàn thư và chỉ thay đổi một số câu chữ không đáng kể, không có thông tin mới, nên sách này chỉ giới thiệu Toàn thư như sử liệu đầu tiên để độc giả tiện tham khảo.


Nội dung:

Tần Thủy Hoàng - Lã Chính(1) năm thứ 26 (221 tcn). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế.

Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng(2) người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm sai dịch, bị trưởng quan đánh roi, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ Hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân tuần thú(3) đất Lâm Thao(4), uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi mất. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để tại cửa Tư Mã(5) ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là Hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm.

Triệu Xương nhà Đường làm Đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân thu, Tả thị truyện(6), nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ.

Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý Hiệu úy. Đền ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm.


1. Tần Thủy Hoàng tên là Doanh Chính, do là con của Lã Bất Vi, nên còn được gọi là Lã Chính.

2. Một số tài liệu Trung Quốc (như Quảng dư ký, Đại Thanh nhất thống chí, v.v....) chép là Nguyễn Ông Trọng, có lẽ vì dựa theo sử liệu Việt Nam đời Trần kiêng húy đã đổi Lý thành Nguyễn.

3. Các bản dịch trước đều dịch là “trấn giữ”, “giữ”. Nay cải chính. Kinh thư thiên Nghiêu điển ghi: “cứ năm năm một lần tuần thú” (五载一巡守). Chữ nên đọc là thú với nghĩa “tuần thú để đánh dẹp”, chứ không phải chỉ có nghĩa là giữ (thủ).

4. Lâm Thao: Xin xem Bảng tra từ ngữ liên quan ở cuối sách.

5. Cửa Tư Mã: Xin xem Bảng tra từ ngữ liên quan ở cuối sách.

6. Thoái thực ký văn ghi là sách “Tả thị Xuân Thu”. Long Biên bách nhị vịnh ghi là “Xuân Thu tả thị truyện”.