Văn hoá phi vật thể


Đại Nam quốc sử diễn ca

Giới thiệu:

Đại Nam quốc sử diễn ca là bộ diễn ca lịch sử được biên soạn vào triều Nguyễn bởi Lê Ngô Cát (1827- ?), được khắc in lần đầu năm 1870 đời vua Tự Đức. Bộ sử này ghi lại lịch sử từ thời Hồng Bàng đến thời Lê Chiêu Thống. Trong đó, phần về Lý Ông Trọng bắt đầu từ câu 582 đến câu 598. Trước nay, đã có 15 bản phiên âm chú thích tác phẩm này. Nay, chúng tôi tuyển bản phiên cuối cùng của PGS. TS Lã Minh Hằng năm 2008.

Phiên âm:

Kể từ Đô hộ Triệu Xương,

Thành La xây lại vững vàng hơn xưa.

Thuyền chơi qua bến sông Từ(1),

Giấc nồng đâu bỗng tình cờ lạ sao.

Thấy người hai trượng dài cao,

Bàn kinh giảng truyện khác nào văn nhân.

Cùng nhau như gửi tâm thần(2),

Tỉnh ra mới hỏi nguyên căn tỏ tường.

Lý Ông Trọng ở Thụy Hương,

Người đời vua Thục mà sang thi Tần.

Hiếu liêm nhẹ bước thanh vân(3),

Làm quan Hiệu úy đem quân ngự Hồ(4).

Uy danh đã khiếp Hung Nô,

Người về Nam quốc, hình đồ(5) Bắc phương.

Hàm Dương đúc tượng người vàng,

Uy thừa còn giúp Tần Hoàng phục xa.

Hương thôn cổ miếu tà tà(6),

Từ nay tu lý(7) mới là phong quang(8).

1. Sông Từ: tức sông Từ Liêm.

2. Tâm thần: (từ cổ) tâm hồn và thần thái.

3. Thanh vân: nguyên là chữ thanh vân lộ 青 雲路 (đường mây xanh), ví với ngôi cao, hoạn lộ. Tư Mã Tương Như trong bài Tử Hư phú có câu: “lộn xộn đua tranh, trèo lên mây xanh.” (交錯糾紛,上干青 雲 giao thác củ phân, thướng can thanh vân). Biệt Lý Tham quân của Trương Kiều đời Đường có câu: “Lặng nghĩ đến con đường mây xanh, thì thấy vẫn nên gửi gắm thân này.” (静想青 雲路, 還應寄此身 Tĩnh tưởng thanh vân lộ, hoàn ưng ký thử thân). Đời sau thường vẽ hình chú bé thả diều để ngụ ý chúc tụng thăng quan phát tài. Nợ quân thân chưa báo được, Hài hoa còn bện dặm thanh vân. (Nguyễn Trãi, Ngôn chí 12.8) [TT Dương 2014: 329]. Hiếu liêm: xem Bảng tra từ ngữ liên quan ở cuối sách.

4. Ngự: (từ cổ) chế ngự.

5. Đồ: (từ cổ) vẽ.

6. Tà tà: (từ cổ) tàn tạ, cũ nát.

7. Tu lý: (từ cổ) sửa chữa.

8. Phong quang: (từ cổ) đẹp đẽ. [TT Dương 2014: 281].